Nghề nghiệp nào dễ mắc ung thư đại trực tràng
Theo WHO, mỗi năm thế giới có khoảng 700.000 người tử vong vì ung thư đại trực tràng, chiếm 8,5 % tổng số bệnh nhân chết vì ung thư. Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 8.000 người mắc mới ung thư đại trực tràng được phát hiện.
Ths.BS Thân Văn Thịnh, Khoa khám bệnh, Bệnh viện ung bướu Hà Nội, ung thư đại trực tràng là một trong những bệnh ung thư đường tiêu hóa hay gặp và có tỷ lệ tử vong cao nhất ở Việt Nam cũng như trên thế giới.
Ung thư đại trực tràng ở giai đoạn sớm thường không có biểu hiện rõ ràng, khiến cho nhiều người mắc bệnh chủ quan và dễ nhầm lẫn với căn bệnh tiêu hóa khác nhẹ là đầy bụng, chán ăn, khó tiêu, buồn nôn. Các triệu chứng rõ ràng hơn táo bón, đi ngoài ra máu, cảm giác mệt mỏi, cân nặng sụt giảm…
Bác sĩ Thịnh cho hay: "Ung thư đại trực tràng có mối quan hệ nhất định bắc cầu từ yếu tố nghề nghiệp. Ví dụ, người có công việc bộn ăn uống kém khoa học, ăn nhiều đồ dầu – mỡ, ăn ít chất xơ.
Hay người thường xuyên có công việc phải uống rượu bia, ăn nhậu, tăng cân nhiều nguy cơ mắc bệnh cũng sẽ cao".
Ung thư đại trực tràng.
Đối tượng dễ mắc ung thư đại trực tràng
Cũng theo PGS. TS Đoàn Hữu Nghị, Phó Chủ tịch Hội ung thư Hà Nội, ung thư đại trực tràng nếu phát hiện sớm, tỷ lệ sống trên 5 năm sau phẫu thuật lên tới 70%.
Hiện nay, nguyên nhân gây ra ung thư đại trực tràng vẫn chưa được xác định, nhưng có một số yếu tố có thể tiến triển thành bệnh.
"Đối tượng nguy cơ mắc ung thư đại trực cao là người có gen polyp yếu tố gia đình. Polyp là các u lành tính ở thành trong của đại tràng và trực tràng.
Người có polyp có yếu tố gia đình sẽ có hàng trăm polyp ở đại tràng và trực tràng. Nếu không được điều trị cắt bỏ nguy cơ tiến triển thành ung thư cao" PGS.Nghị nói.
Ung thư đại trực tràng có liên quan tới yếu tố tuổi tác, bệnh thường gặp cao ở những người trên 50 tuổi. Tuy nhiên, bệnh có thể gặp ở những người trẻ tuổi có liên quan tới chế độ ăn uống kém khoa học. Chế độ ăn nhiều mỡ, giàu calo, hàm lượng chất xơ thấp tăng nguy cơ mắc ung thư.
Ngoài ra, ung thư đại trực tràng có liên quan tới vấn đề viêm loét đại tràng tái diễn nhiều lần, tình trạng này sẽ làm tăng nguy cơ phát triển thành ung thư đại trực tràng.
PGS Nghị cho hay: "Để phát hiện ung thư đại trực tràng sớm việc tầm soát có ý nghĩa rất quan trọng. Trong trường hợp gia đình có người mắc ung thư đại trực tràng khi tới tuổi trưởng thành cần phải tầm soát. Việc tầm soát để phát hiện ra bệnh chủ yếu là soi đại tràng.
Với người bình thường khi còn trẻ tuổi nên tầm soát 3 năm/lần, với người từ 40 tuổi nên tầm soát 1 năm/lần", PGS.TS Nghị khuyến cáo.
Cách phòng ung thư đại trực tràng cần phải có chế độ sinh hoạt hợp lý, đặc biệt có thói quen tầm soát ung thư định kỳ sẽ bảo vệ cơ thể khỏi nguy cơ mắc bệnh.