Tuổi mới lớn thường bắt đầu từ khoảng 10 tuổi và kéo dài cho đến cuối tuổi thiếu niên hoặc đầu 20. Trong giai đoạn vị thành niên, trẻ em trải qua sự thay đổi rõ ràng về phát triển thể chất, trí tuệ, và cảm xúc. Hướng dẫn trẻ vị thành niên vượt qua giai đoạn này là một thách thức đối với cha mẹ.
Trong thời gian này, thanh thiếu niên thường được cho là có tâm trạng thất thường, tức giận, dễ xúc động, liều lĩnh, bốc đồng, ích kỷ, hấp tấp và nông cạn.
Có nhiều lý do khiến con bạn thất thường và sự thay đổi nội tiết tố không phải là nguyên nhân chính. Vì vậy, các bậc cha mẹ cần giúp con vượt qua giai đoạn chuyển tiếp này một cách an toàn và thoải mái hơn.
Ảnh minh họa
Hãy là người bạn tâm sự
Trong thời kỳ thanh thiếu niên, não trẻ linh hoạt hơn để chuẩn bị cho quá trình chuyển đổi sang tuổi trưởng thành. Thật không may, tính khí thất thường của trẻ khiến cha mẹ phiền não.
Ngay cả khi con bạn có vẻ không tôn trọng bạn, hãy kìm chế và đừng mất bình tĩnh.
Nói cách khác, bạn có thể đối phó với hành vi xấu của con một cách bình tĩnh và tử tế. Trong khi cơn tức giận của con bạn sẽ kích hoạt cơn tức giận của bạn. Hãy bình tĩnh và đừng để cơn tức giận của bạn leo thang và khiến mọi việc trở nên khó giải quyết hơn.
Đồng hành, hỗ trợ
Phải đối mặt với tâm trạng tồi tệ thật khó chịu, đặc biệt là đối với thanh thiếu niên. Hãy tưởng tượng bạn đang tức giận vì những điều nhỏ nhất và không thể kiểm soát được cảm xúc của mình. Không ai thích có tâm trạng thay đổi thất thường như thế này.
Việc cha mẹ ứng phó những cảm xúc của tuổi vị thành niên có ảnh hưởng sâu sắc đến hành vi và tình cảm sau này của trẻ. Thanh thiếu niên có cha mẹ nuôi dưỡng tốt về mặt tình cảm có xu hướng điều chỉnh cảm xúc tốt hơn. Những trẻ bị cha mẹ đánh phạt hoặc không được quan tâm đến cảm xúc có nhiều khả năng phát triển các vấn đề về hành vi và các triệu chứng trầm cảm.
Để trẻ tự do
Sự thay đổi tâm trạng do nội tiết tố tuổi teen không phải là nguyên nhân duy nhất khiến trẻ trở nên gắt gỏng. Những thanh thiếu niên có cha mẹ kiểm soát thường kìm nén sự tức giận của chúng. Điều này khiến những thay đổi trong não của trẻ phức tạp hơn, dẫn đến dễ bộc phát cảm xúc hơn.
Kiểm soát trẻ em được cho là nguyên nhân của các hành vi chống đối và rối loạn ứng xử ở thanh thiếu niên. Thay vì kiểm soát con, bạn hãy cho chúng tự do hơn để phát triển tính độc lập của chúng - đây cũng là động lực tức thì giúp trẻ phát triển và học tập tốt hơn.
Lắng nghe
Lắng nghe là một bước quan trọng khác mà phụ huynh có thể thực hiện để giúp con học cách điều tiết cảm xúc. Người trẻ cảm thấy không được tôn trọng khi bị la mắng, trách móc, hoặc khi cha mẹ không lắng nghe con giải thích. Để giải quyết vấn đề, hãy lắng nghe những gì con bạn nói và cố gắng nhìn nhận vấn đề từ góc độ của chúng.
Đặt mình vào cảm xúc của con
Khi bạn hòa mình trong trạng thái cảm xúc của con, con sẽ cảm thấy rằng cha mẹ hiểu mình. Đừng chỉ làm theo hành động hoặc lời nói của con. Sự hài hòa không chỉ là giao tiếp bằng mắt hay sự thừa nhận bằng lời nói, nó còn thể hiện sự đồng cảm hoặc cho thấy bạn thực sự hiểu cảm xúc của con.
Hình thành thói quen ngủ
Đồng hồ sinh học của trẻ thay đổi trong thời kỳ thanh thiếu niên. Đồng hồ bên trong (nhịp sinh học) khiến trẻ thích ngủ nướng vào buổi sáng và thức khuya hơn.
Thiếu ngủ kéo dài có thể ảnh hưởng đến tâm trạng và kết quả học tập của trẻ ở độ tuổi thanh thiếu niên. Đảm bảo con bạn ngủ đủ giấc và phát triển các thói quen lành mạnh, chẳng hạn như tránh các thiết bị điện tử trước khi đi ngủ.
Vận động và thiền
Duy trì vận động là quan trọng trong thời gian này. Hoạt động thể chất và thiền đều được chứng minh là có tác dụng cải thiện tâm trạng và tăng cường năng lượng. Do đó, hãy khuyến khích con bạn ra ngoài hoạt động mỗi ngày.
Chú ý các dấu hiệu trầm cảm hoặc lạm dụng chất gây nghiện
Thanh thiếu niên gặp phải các vấn đề sức khỏe tâm thần đang ở mức báo động, cứ 5 người thì có 1 người phải đối mặt với bệnh tâm thần như trầm cảm hoặc mắc chứng lo âu. Trong khi đó, việc lạm dụng chất gây nghiện cũng phổ biến ở thanh thiếu niên. Các vấn đề về tâm thần và sử dụng ma túy đều có thể gây ra tâm trạng thất thường.
Đôi khi cảm thấy tâm trạng chán nản là điều bình thường, nhưng chứng trầm cảm dai dẳng ở thanh thiếu niên cần được chú ý đặc biệt.
Nếu bạn lo lắng, đừng ngần ngại tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý. Họ có thể giúp bạn xác định xem cảm xúc của trẻ có bình thường không và trẻ có cần đánh giá sâu hơn để tìm ra giải pháp hay không. Nếu bạn nhận thấy các triệu chứng của bệnh trầm cảm, chẳng hạn như ý nghĩ tự tử hoặc có ý định tự tử, hãy tìm kiếm sự trợ giúp ngay lập tức từ chuyên gia sức khỏe tâm thần.
Nguồn: Parenting for brain