Các nhà quan sát thị trường và giám đốc điều hành doanh nghiệp cho biết Trung Quốc sẽ tiếp tục thúc đẩy mở cửa, mở rộng khả năng tiếp cận thị trường cho các doanh nghiệp toàn cầu và ủng hộ các hiệp định thương mại tự do, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và củng cố chủ nghĩa đa phương vào năm 2025.
“Những thách thức từ chủ nghĩa bảo hộ và xu hướng phản toàn cầu hóa”, tờ China Daily dùng các từ ngữ mạnh nói về thương chiến có thể xảy ra khi ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống Hoa Kỳ nhiệm kỳ thứ hai vào tháng 1/2025. Bất chấp các thách thức này, Trung Quốc muốn củng cố vị thế là trung tâm sản xuất và đổi mới toàn cầu , đồng thời thu hút thêm vốn nước ngoài.
Trước đó, Hội nghị công tác kinh tế trung ương thường niên được tổ chức tại Bắc Kinh nhấn mạnh rằng “Trung Quốc nên mở rộng cửa và duy trì ổn định thương mại cũng như đầu tư nước ngoài. Cần nỗ lực mở rộng tất cả chương trình mở cửa thí điểm trong các lĩnh vực như viễn thông, y tế và giáo dục”.
Liu Xiangdong, Phó Giám đốc Phòng Nghiên cứu kinh tế của Trung tâm Giao lưu Kinh tế Quốc tế Trung Quốc, cho biết những quyết định này chỉ ra rằng môi trường đầu tư và thương mại nước ngoài của Trung Quốc sẽ trở nên ổn định và dễ dự đoán hơn trong những năm tới.
Cụ thể, Trung Quốc đã bật đèn xanh cho việc thành lập các bệnh viện hoàn toàn do nước ngoài sở hữu tại một số thành phố được chọn, bao gồm Bắc Kinh và Thượng Hải.
Liu cho biết việc mở rộng khả năng tiếp cận cho các doanh nghiệp toàn cầu vào nhiều lĩnh vực hơn sẽ đa dạng hóa hơn nữa nền kinh tế Trung Quốc, giảm sự phụ thuộc vào các ngành công nghiệp truyền thống và thúc đẩy tăng trưởng của các lĩnh vực như sản xuất cao cấp, dịch vụ hiện đại, công nghệ xanh và kỹ thuật số.
Vương Tấn Bân, Giáo sư tại Khoa Kinh tế thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc ở Bắc Kinh, cho biết với chính quyền mới chuẩn bị nhậm chức tại Hoa Kỳ vào tháng tới, Trung Quốc nên tập trung vào các công nghệ quan trọng và tăng cường khả năng phục hồi cũng như an ninh của chuỗi công nghiệp và cung ứng để thúc đẩy khả năng cạnh tranh toàn cầu và ổn định thị trường quốc tế.
Ngoại thương của Trung Quốc tăng trưởng tốt
Wei Jianguo, cựu thứ trưởng Thương mại, chia sẻ quan điểm tương tự. "Việc thúc đẩy và tham gia nhiều thỏa thuận thương mại tự do đa phương và song phương, chẳng hạn như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, là rất quan trọng để Trung Quốc duy trì tăng trưởng thương mại đối ngoại", ông nói.
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 11 năm nay, kim ngạch thương mại nước ngoài của Trung Quốc tăng 4,9% so với cùng kỳ năm trước, đạt 39,79 nghìn tỷ nhân dân tệ (5,5 nghìn tỷ USD), trong khi xuất khẩu tăng 6,7% so với cùng kỳ năm trước, đạt 23,04 nghìn tỷ nhân dân tệ.
Để giảm thiểu rủi ro do căng thẳng địa chính trị cũng như các động thái đơn phương và bảo hộ, Lixun Precision Components (Suzhou) Co, một nhà sản xuất linh kiện điện tử tại Tô Châu, tỉnh Giang Tô, đã bắt đầu mở rộng sang các thị trường tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường .
Xem Trung Quốc là quốc gia quan trọng trong chiến lược kinh doanh toàn cầu của mình, nhà sản xuất hóa chất Đức Covestro AG hiện đang xây dựng một nhà máy lớn tại Chu Hải, tỉnh Quảng Đông và có kế hoạch chuyển 75% khoản đầu tư của mình vào khu vực Châu Á - Thái Bình Dương vào Trung Quốc trong ba năm tới.
Thomas Roemer, Giám đốc toàn cầu của bộ phận kinh doanh chất phủ và keo dán Covestro, cho biết ngoài việc cung cấp sản phẩm cho khách hàng trong nước, tập đoàn còn xuất khẩu vật liệu hóa chất được sản xuất tại các nhà máy ở Trung Quốc sang các quốc gia khác như Ấn Độ, Nhật Bản, Việt Nam và Indonesia.
Ông nói thêm: "Tăng trưởng kinh tế ổn định, quy mô thị trường của Trung Quốc và việc gần đây dỡ bỏ mọi hạn chế tiếp cận thị trường đối với các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực sản xuất sẽ tiếp tục thu hút các công ty nước ngoài tăng đầu tư vào nước này".