Ủng hộ trừng phạt nhưng vẫn lọt top 3 nhà nhập khẩu "báu vật" nông nghiệp của Nga, Mỹ bị nghi ngờ "nói một đằng làm một nẻo"

Khánh Vy |

Cùng với Brazil và Ấn Độ, Mỹ là một trong 3 nhà nhập khẩu lớn nhất sản phẩm này từ Nga.

Ủng hộ trừng phạt nhưng vẫn lọt top 3 nhà nhập khẩu

RIA Novosti đưa tin hôm thứ Năm (21/3), trích dẫn dữ liệu từ nền tảng Comtrade của Liên Hợp Quốc và số liệu thống kê thương mại, Brazil, Ấn Độ và Mỹ chính là ba nhà nhập khẩu phân bón của Nga lớn nhất vào năm 2023.

Theo tính toán của cơ quan này, mặc dù đi đầu trong việc trừng phạt của phương Tây chống lại Moscow, nhưng Mỹ vẫn tăng nhập khẩu phân bón từ Nga từ 2,5 triệu tấn của năm 2022 lên 4,3 triệu tấn vào năm 2023, tương đương 1,6 tỷ USD. Điều đó khiến Mỹ trở thành người mua lớn thứ ba, sau các đối tác BRICS của Nga là Brazil và Ấn Độ.

Brazil vẫn giữ vị trí là nhà nhập khẩu phân bón chính của Nga vào năm 2023, mua 9,4 triệu tấn, trị giá khoảng 4 tỷ USD. Ấn Độ theo sau, tăng đáng kể lượng mua vào lên 4,8 triệu tấn, trị giá 2,2 tỷ USD, từ mức 3,6 triệu vào năm 2022.

Như vậy, Brazil, Ấn Độ và Mỹ chiếm khoảng 60% tổng lượng xuất khẩu phân bón của Nga, lên tới tổng cộng 32 triệu tấn, trị giá gần 14 tỷ USD.

Những khách hàng mua phân bón lớn khác của Nga bao gồm Trung Quốc với khối lượng nhập khẩu 2,1 triệu tấn (892 triệu USD) và Indonesia với 1,1 triệu tấn (481 triệu USD). Thổ Nhĩ Kỳ, Đan Mạch, Đức, Pháp và Malaysia cũng nằm trong top 10 những khách hàng mua nhiều nhất.

Theo dữ liệu hiện có, Liên bang Nga trong năm 2023 đã xuất khẩu phân bón sang 72 quốc gia - tổng cộng là 32 triệu tấn trị giá gần 14 tỷ USD.

Ủng hộ trừng phạt nhưng vẫn lọt top 3 nhà nhập khẩu

Moscow đã phải đối mặt với các lệnh trừng phạt chưa từng có từ phương Tây kể từ đầu năm 2022. Trong khi phân bón và ngũ cốc của Nga không bị nhắm trực tiếp bởi các biện pháp hạn chế, hoạt động xuất khẩu của họ đã bị ảnh hưởng bởi các hạn chế về tài chính, vận chuyển và bảo hiểm đặt ra cho Moscow.

Do đó, xuất khẩu phân bón của Nga giảm xuống khoảng 27 triệu tấn vào năm 2022 từ mức 32,3 triệu vào năm 2021. Kể từ đó, nước này đã khắc phục tình trạng trên bằng cách chuyển dần một phần đáng kể các chuyến hàng sang các quốc gia “thân thiện” không tham gia các lệnh trừng phạt. Moscow cũng nhiều lần kêu gọi dỡ bỏ các hạn chế ảnh hưởng đến thương mại nông nghiệp, cảnh báo về những hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra đối với an ninh lương thực toàn cầu.

Bên cạnh các nước trên, Việt Nam cũng là thị trường tích cực nhập khẩu phân bón của Nga chỉ trong 2 tháng đầu năm 2024.

Cụ thể trong 2 tháng đầu năm, Nga đã xuất khẩu sang Việt Nam 120.803 tấn phân bón, tương đương hơn 75,3 triệu USD, tăng 3.660% về lượng và tăng 3.650% về trị giá so với cùng kỳ năm trước - mức tăng mạnh nhất trong số các nhà cung cấp của Việt Nam.

Trong khi đó, cả năm 2023, nước ta nhập khẩu từ Nga 288.727 tấn phân bón, tương đương với hơn 132 triệu USD. Do vậy, kết thúc 2 tháng đầu năm, sản lượng và trị giá nhập khẩu đã bằng một nửa của năm 2023.

Giá nhập khẩu trung bình trong tháng 2 đạt 645 USD/tấn, giảm 7% so với cùng kỳ.

Ủng hộ trừng phạt nhưng vẫn lọt top 3 nhà nhập khẩu

Nga là cường quốc xuất khẩu phân bón của thế giới, cùng với lúa mì, đây là 2 "vũ khí tối thượng" hiếm hoi giúp Nga có thể yên tâm về doanh thu sau những bão tố trên thị trường năng lượng sau khi bị châu Âu trừng phạt ngành dầu mỏ.

Nga chiếm khoảng 15% lượng tiêu thụ của thế giới, đồng thời xuất khẩu đứng đầu toàn cầu. Sản lượng phân bón trung bình hàng năm của Nga ước tính đạt khoảng 55 triệu tấn.

Nguồn cung phân bón trong năm 2024 được dự báo sẽ ngày càng thắt chặt khi 2 nhà cung cấp lớn là Trung Quốc và Nga ngày càng hạn chế xuất khẩu. Cụ thể, Nga đã gia hạn chính sách áp hạn ngạch xuất khẩu phân bón đến tháng 5/2024 để bảo vệ thị trường nội địa trong khi Trung Quốc cũng tiếp tục hạn chế xuất khẩu ure để đảm bảo nguồn cung trong nước và ổn định mức giá.

Điều này có thể khiến giá phân bón trong năm 2024 tăng nhẹ so với các năm trước.

Tham khảo: RT

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại