Việt Nam là một trong những nước sản xuất nông nghiệp lớn trên thế giới, với sản lượng hằng năm luôn duy trì ở mức cao và ổn định. Tuy nhiên, Việt Nam cũng là một trong những nước đang chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu; đồng thời quy trình sản xuất nông nghiệp vẫn chưa đồng bộ, nhất quán nên sản phẩm nông nghiệp Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận những thị trường có tiêu chuẩn cao. Việt Nam cần có những thay đổi trong quy trình sản xuất nông nghiệp để tối ưu chất lượng sản phẩm, cũng như có những giải pháp để hoạt động nông nghiệp không còn quá phụ thuộc vào yếu tố môi trường và thời tiết.
Tối ưu sản phẩm nông nghiệp
Phát triển một hệ thống thông minh sử dụng IoT (Internet of Thing - Internet vạn vật) cho nông nghiệp, có thể giám sát sự phát triển của cây trồng và điều kiện môi trường canh tác, được coi là nhiệm vụ thiết yếu hiện nay, cho phép người trồng dự đoán, theo dõi và quản lý chu kỳ của các sản phẩm nông nghiệp.
Theo dự đoán, sẽ có 500 tỉ thiết bị được kết nối với IoT vào năm 2030. IoT mang lại nhiều cơ hội cho phép các ngành tạo ra các chiến lược và mô hình mới để hiện thực hóa ý tưởng. IoT là sự kết hợp đa lĩnh vực và đang hướng đến một thế giới thông minh, trong đó mọi thứ đều có thể được truy cập một cách hiệu quả, nhanh chóng.
Ứng dụng công nghệ IoT trong nông nghiệp có các ưu điểm vượt trội so với canh tác truyền thống như kịp thời ứng phó với thời tiết, tối ưu hóa năng suất, phân tích tính toán các yếu tố như đất đai, thủy lợi và kiểm soát dịch hại.
Ứng dụng công nghệ IoT trong sản xuất rau quả và nuôi cá Ảnh: PHẠM BÌNH
Việc ứng dụng được công nghệ IoT trong nông nghiệp đã tạo ra cuộc cách mạng trong ngành nông nghiệp: Giúp kiểm soát và điều chỉnh điều kiện môi trường sinh trưởng cho vật nuôi, cây trồng tại các khu vực trồng trọt, chăn nuôi để điều khiển các thông số về nhiệt độ, độ ẩm, chất lượng không khí, chất lượng đất, chất lượng nguồn nước… thông qua các hệ thống cảm biến và máy tính đo đạc, phân tích một cách chính xác.
Từ đó, có thể đề xuất các phương pháp cải tạo và điều chỉnh điều kiện nuôi trồng, sao cho phù hợp nhất trong quá trình sinh trưởng của từng loại con giống và cây trồng khác nhau.
Rất tiềm năng
Khu Nông nghiệp Công nghệ cao TP HCM cũng là nơi nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ thông minh trong các mô hình nông nghiệp; từ đó hoàn thiện các mô hình sản xuất, chuyển giao và hướng dẫn cho nông dân cũng như các tổ chức có nhu cầu nhằm đẩy mạnh nền nông nghiệp. Các kỹ sư ở đây là những người đã và đang tìm hiểu, ứng dụng IoT trong các mô hình sản xuất nông nghiệp; từ đó nghiên cứu thêm các vấn đề liên quan như tối ưu hệ thống, tối ưu quy trình nhằm đưa ra được quy trình hoàn thiện nhất trước khi đến tay nhà nông.
Anh Nguyễn Công Lâm, một cán bộ đang làm việc và nghiên cứu tại đây, cho biết: "Khi được ứng dụng công nghệ thông minh IoT vào các mô hình sản xuất, như trồng dưa lưới, cà chua, rau thủy canh…, chúng tôi nhận thấy công nghệ này rất tiềm năng và mang lại hiệu quả rõ rệt. Trước kia, việc tưới nước, bón phân, phun thuốc, giám sát sự phát triển của cây, trái hay quan sát sự xuất hiện của sâu bệnh để có biện pháp phòng ngừa... đều được thực hiện bằng mắt thường, bằng thủ công thì hiện nay, tất cả đều có máy móc thay thế. Các công việc thực hiện bằng thủ công, hiệu quả thường sẽ không cao và không triệt để dẫn đến năng suất cây trồng bị ảnh hưởng rõ rệt. Khi có các máy móc thiết bị công nghệ cũng như phần mềm giám sát, điều phối hoạt động, công việc trồng trọt hay chăn nuôi của người nuôi trồng nhàn hạ hơn, một người có thể kiểm soát nhiều trang trại một lúc, thay vì như trước đây, cần nhiều người làm việc và giám sát một trang trại". Anh Lâm phấn khởi khoe những ưu điểm của hệ thống thông minh mà các mô hình ở đây đang áp dụng: "Năng suất của các mô hình tăng lên đáng kể từ khi áp dụng các thiết bị thông minh vào sản xuất. Trước kia, một mô hình trồng dưa lưới với diện tích 1.000 m2 thu hoạch tối đa khoảng 1 - 1,5 tấn quả đạt chất lượng thì nay đã tăng lên 2 - 2,5 tấn. Ngoài ra, việc kiểm soát sâu bệnh tốt hơn nên không còn bị tình trạng thất thu do bị sâu bệnh tàn phá. Đây là điều mà người làm nông ai cũng mong muốn, khi những cố gắng mình bỏ ra đều thu được thành quả".
Anh Phạm Văn Bình, Giám đốc Công ty TNHH Nông nghiệp số AgriConnect, hào hứng nói về quá trình ứng dụng công nghệ thông minh trong hoạt động sản xuất nông nghiệp của mình: "Cũng nhờ có cơ hội được tiếp cận những đề tài nghiên cứu ứng dụng các hệ thống thông minh trong sản xuất nông nghiệp, tôi cùng một vài người bạn có chuyên môn, mỗi người mỗi mảng, hỗ trợ nhau hoàn thiện một công nghệ IoT hỗ trợ sản xuất rau an toàn trong hệ thống nhà màng, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam. Công nghệ của công ty đang dần phổ biến ra các địa phương, bước đầu đã giúp bà con nông dân ứng dụng sản xuất mang lại hiệu quả".
Ứng dụng công nghệ IoT vào nông nghiệp đang dần trở thành xu hướng tất yếu khách quan khi những lợi ích mà nó mang lại cụ thể, rõ ràng. Từ đây, việc ứng dụng công nghệ IoT vào lĩnh vực nông nghiệp là vô cùng cần thiết để nền nông nghiệp Việt Nam có thể bắt kịp với tốc độ phát triển của thế giới cũng như tạo ra những sản phẩm đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe ở các thị trường lớn trên thế giới. Công nghệ IoT trong nông nghiệp không chỉ giúp tối ưu hóa chi phí sản xuất nông nghiệp mà còn giúp thúc đẩy thương mại và tăng sự an toàn cho cả người sản xuất và người sử dụng sản phẩm.
IoT được biết đến là hệ thống tất cả các đối tượng được tích hợp trong các thiết bị, cảm biến, máy móc, phần mềm và con người thông qua internet để giao tiếp, trao đổi thông tin và tương tác nhằm cung cấp giải pháp toàn diện. Những năm gần đây, IoT đã được ứng dụng trong hàng loạt lĩnh vực như nhà thông minh, thành phố thông minh, năng lượng thông minh, xe không người lái, chăm sóc sức khỏe, nông nghiệp thông minh...