Ứng dụng giao đồ ăn nhấn chìm Trung Quốc trong biển nhựa

Minh Ngọc |

Sự bùng nổ công nghệ ở Trung Quốc sẽ để lại không phải các tổ hợp văn phòng nhà kính và khu nhà sang trọng cho dân công nghệ, mà là rác thải nhựa.

Sự phát triển chóng mặt của các ứng dụng giao đồ ăn nhanh đã "nhấn chìm" Trung Quốc với hộp đựng mang đi, dụng cụ ăn uống và túi nhựa, trong khi hệ thống xử lý rác thải không theo kịp được nhu cầu. Phần lớn số nhựa này sẽ bị thải ra mội trường, chôn hoặc đốt cùng với số rác thải còn lại, theo các nhà nghiên cứu và tái chế.

Các nhà khoa học ước tính nền công nghiệp đồ ăn mang đi ở Trung Quốc đã thải ra 1,6 triệu tấn bao bì vào năm 2017, gấp 9 lần so với 2 năm trước đó. Lượng rác thải bao gồm 1,2 triệu tấn hộp nhựa, 175.000 tấn đũa dùng một lần, 164.000 tấn túi nhựa và 44.000 tấn thìa nhựa.

Xét về tổng thể, con số này còn lớn hơn cả tổng lượng rác thải công nghiệp và hộ gia đình mà thành phố Philadelphia thải ra mỗi năm. Ước tính năm 2018, tổng lượng thải sẽ lên đến 2 triệu tấn.

Bình quân lượng rác nhựa mỗi người Trung Quốc thải ra vẫn ít hơn người Mỹ.

Nhưng các nhà nghiên cứu ước tính 3/4 số rác thải nhựa ở Trung Quốc được xử lý ở các bãi chôn lấp không đủ tiêu chuẩn hoặc phân tán ngoài môi trường, nơi rác dễ dàng trôi ra biển và tốn hàng thế kỷ để phân hủy. Trung Quốc là nơi có lượng rác thải nhựa đổ ra biển lớn nhất thế giới.

Ứng dụng giao đồ ăn nhấn chìm Trung Quốc trong biển nhựa - Ảnh 1.

Nhân viên các hãng dịch vụ giao đồ ăn Meituan và Ele.me đứng chờ ngoài một tòa nhà văn phòng ở thành phố Thâm Quyến, Trung Quốc. Ảnh: New York Times.

Các nhà tái chế đã nỗ lực biến một phần rác nhựa của Trung Quốc thành nguyên liệu cho các nhà máy của quốc gia. Trung Quốc tái chế được 1/4 lượng nhựa, theo thống kê của chính phủ, so với chưa đầy 10% tại Mỹ.

Nhưng nhìn chung, các hộp đựng đồ ăn nhựa không được tái chế. Chúng cần được rửa sạch trước, và quá nhẹ khiến những người thu gom phải gom một lượng lớn mới đủ bán cho các nhà tái chế.

“Nửa ngày làm việc được vài đồng. Chẳng đáng công sức bỏ ra”, Ren Yong, 40 tuổi, một người thi gom rác tại tòa nhà văn phòng ở Thượng Hải, nói. Ông thường không nhặt các hộp đựng thức ăn mang đi.

Với nhiều người quá bận rộn, hoặc đơn giản là ngại nấu ăn ở các thành thị Trung Quốc, Meituan và Ele.me, 2 nền tảng đồ ăn mang đi hàng đầu đang thay thế việc nấu ăn hoặc đi ăn ngoài. Phí giao hàng rẻ cộng thêm các ưu đãi lớn khi đặt qua ứng dụng khiến việc đặt mua một cốc cà phê giao tận nhà không còn là điều gì quá vô lý.

Yuan Ruqian không đồng tình với việc này. Vậy mà, chính cô cũng có lần phải thỏa hiệp. Ví dụ một lần cô rất muốn ăn kem, nhưng cửa hàng Dippin’Dots mới mở lại có vẻ khá xa. Hay khi cô gọi giao đồ ăn trưa, gần như mỗi ngày.

Khi được hỏi về lượng rác nhựa thải ra mỗi ngày, Yuan, cô gái 27 tuổi theo ngành tài chính ở Thượng Hải nói: “Lười biếng là cội nguồn của mọi tội lỗi”.

Thói quen sinh hoạt đã thay đổi nhanh chóng. Meituan cho biết họ giao 6,4 tỷ đơn hàng đồ ăn năm ngoái, tăng gần 60% so với năm 2017. Tổng trị giá các đơn hàng là 42 tỷ USD, vậy trung bình một đơn khoảng 6,5 USD – mức giá hợp lý cho một bữa ăn tại thành phố lớn ở Trung Quốc.

Ele.me – cái tên có nghĩa “Bạn đã đói chưa?” và được phát âm là “UH-luh-muh” – không đưa ra số liệu tương tự. Nhưng qua những ứng dụng đặt hàng phổ biến ở Trung Quốc, tổng giá trị đơn hàng được giao năm 2018 lên tới khoảng 70 tỷ USD, theo công ty phân tích iResearch.

Để so sánh, lượng đồ ăn giao tận nhà tại Mỹ ước tính đạt 19 tỷ USD trong năm nay, theo Statista. Uber cho biết dịch vụ Uber Eats có tổng giá trị đơn hàng trên toàn thế giới là 7,9 tỷ USD. GrubHub báo cáo doanh thu 5,1 tỷ USD từ việc bán đồ ăn và 159 triệu đơn hàng năm 2018, ước tính mỗi đơn trị giá khoảng 32 USD.

Trên khắp thế giới, sự tiện lợi của dịch vụ này đi kèm với những cái giá dễ bị bỏ qua. Mâu thuẫn lao động là một ví dụ. Hoặc các con đường trở nên nguy hiểm hơn với ngày càng nhiều người giao hàng bằng xe máy. Rác thải nhựa cũng dễ bị bỏ qua, ngay cả khi chúng được tạo ra và xử lý sai cách trên quy mô khổng lồ.

Ứng dụng giao đồ ăn nhấn chìm Trung Quốc trong biển nhựa - Ảnh 2.

Hộp đựng bằng nhựa thường nhẹ. Người nhặt rác phải thu gom rất nhiều mới có thể bán phế liệu được. Ảnh: New York Times.

Trung Quốc là nơi chiếm 1/4 lượng rác thải nhựa ra môi trường. Các nhà khoa học ước tính sông Dương Tử đã cuốn trôi 367.000 tấn vụn nhựa xuống biển vào năm 2015, nhiều hơn bất kỳ con sông nào khác trên thế giới và gấp đôi số lượng sông Hằng cuốn theo ở Ấn Độ và Bangladesh. Các dòng sông gây ô nhiễm thứ 3 và thứ 4 trên thế giới cũng ở Trung Quốc.

Các ứng dụng đồ ăn mang đi cũng gián tiếp khuyến khích nhà hàng sử dụng nhiều nhựa hơn. Những nhà hàng Trung Quốc kinh doanh qua Meituan và Ele.me cho biết xếp hạng của khách hàng quan trọng đến nỗi họ thà sử dụng hộp đựng dày hơn, hoặc bọc thêm 1 lớp túi nhựa hơn là chấp nhận nguy cơ bị đánh giá xấu vì đổ hàng.

“Meituan đang cực kỳ coi trọng vấn đề giảm bớt các ảnh hưởng môi trường gây ra bởi giao đồ ăn”, công ty tuyên bố, đưa một giải pháp tiềm năng là để khách hàng chọn lựa có muốn sử dụng thìa đũa đi kèm hay không.

Alibaba, người khổng lồ công nghệ sở hữu Ele.me, từ chối bình luận.

Lượng thải này có lẽ không trở thành vấn đề nếu Trung Quốc cải thiện được hệ thống tái chế. Tái chế từ lâu đã là một lĩnh vực gian nan, khó kiểm soát tại nước này, được thúc đẩy không phải nhờ lối sống xanh mà bằng cơ hội kiếm lời trên đồ bỏ đi của người khác.

Chính phủ giờ đây muốn một nền công nghiệp tái chế không gây hại cho môi trường cũng như công nhân. Quá trình chuyển đổi còn nhiều trở ngại.

Trung Quốc vừa ban hành lệnh cấm nhiều loại phế liệu nhập vào nước này với hy vọng nền công nghiệp tái chế sẽ tập trung vào xử lý rác thải nội địa.

Điều này đã tước mất cơ hội làm ăn của những nhà tái chế, và khiến các thành phố của Mỹ phải chật vật tìm bãi chứa mới cho lượng nhựa và bìa các-tông của họ. Nhiều thành phố đã buộc phải ngừng chương trình tái chế.

Các chính sách khác có thể vô tình giảm lượng rác thu được từ hộ dân và văn phòng làm việc ở Trung Quốc. Tại Bắc Kinh, nhiều người thu rác đã trở thành nạn nhân của chiến dịch “cải thiện chất lượng dân số thành thị”, cách nói khác của việc đuổi những công nhân xuất thân từ nông thôn.

Ứng dụng giao đồ ăn nhấn chìm Trung Quốc trong biển nhựa - Ảnh 3.

Vào giờ cao điểm, nhân viên giao hàng để đồ ăn dưới sảnh văn phòng để tiết kiệm thời gian. Ảnh: New York Times.

Để làm sạch bầu không khí Bắc Kinh, chính phủ cũng đã kiểm soát “các doanh nghiệp nhỏ và rải rác gây ô nhiễm” ở khu vực thủ đô. Kể từ đó, các thanh tra đã đóng cửa hàng trăm xưởng sản xuất tạm bợ chuyên làm sạch và xử lý phế liệu nhựa.

Không phải ai cũng tiếc sự mất mát này. Trong nhiều năm, Mao Da, một nhà nghiên cứu môi trường, đã nghiên cứu ngành công nghiệp nhựa ở quận Wen Wuan, gần Bắc Kinh. Công nhân ở đó thường phân loại thực phẩm và chất thải y tế bằng tay, ông nói. Vật liệu không thể tái chế được chôn trong các hố gần đất nông nghiệp.

“Đây là thảm họa về môi trường và sức khỏe cộng đồng”, Mao nói.

Tuy nhiên, cho đến nay, các cuộc trấn áp chưa khiến các công ty tái chế lớn, được quản lý chuyên nghiệp, bắt tay vào thay thế khoảng trống. Thay vào đó, nó khiến toàn bộ ngành công nghiệp rơi vào tình trạng bấp bênh.

“Có ít người thu gom phế liệu hơn, ít người vận chuyển và xử lý chúng hơn”, Chen Liwen, người sáng lập Zero-Waste Villages, tổ chức phi lợi nhuận khuyến khích tái chế ở nông thôn Trung Quốc nói. “Tỷ lệ tái chế chắc chắn đã giảm”.

Tại Xích Phong, một thành phố nhỏ phía đông bắc Bắc Kinh, Zhang Jialin đang cân nhắc cuộc sống không có tái chế.

Trong nhiều năm, ông Zhang và vợ đã mua phế liệu nhựa và nghiền thành mảnh vụn. Nhưng chính quyền địa phương đã thắt chặt kiểm tra môi trường.

Thành phố kết luận việc làm này của ông Zhang là có hại. Ông và nhiều nhà tái chế khác cho rằng đó chỉ là vì chính quyền không vừa lòng với sân phế liệu của họ. Chính quyền Xích Phong từ chối trả lời bình luận.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại