Tiến sĩ Lê Phạm Tuyên là một trong 10 nhà khoa học trẻ của Việt Nam được trao giải thưởng khoa học công nghệ Quả cầu vàng 2022 - Ảnh: DƯƠNG TRIỀU
Từ cậu bé thích chơi game, Tuyên quyết định nộp hồ sơ và trúng tuyển vào khoa khoa học và kỹ thuật máy tính Trường đại học Bách khoa TP.HCM. Tháng 3-2014, anh quyết định sang Hàn Quốc theo đuổi giấc mơ du học.
Từ năm 2014 - 2019, anh học tập và làm nghiên cứu sinh tiến sĩ tại khoa khoa học và kỹ thuật máy tính (Đại học Kyung Hee, Hàn Quốc). Sau khi tốt nghiệp, anh vào làm việc tại bộ phận nghiên cứu và phát triển của Công ty AgileSoDA và hiện nay đảm nhận nhiệm vụ trưởng nhóm nghiên cứu giải thuật, phòng nghiên cứu và phát triển tại công ty này.
Trong quá trình làm việc tại Hàn Quốc, thành tích ấn tượng của tiến sĩ Tuyên và nhóm chính là nghiên cứu và xây dựng những giải pháp công nghệ có thể ứng dụng trong nhiều lĩnh vực đời sống xã hội như ứng dụng giải thuật học tăng cường vào giải quyết bài toán phát hiện gian lận, tự động hóa quá trình yêu cầu bồi thường tại các công ty bảo hiểm, hay thiết kế vật lý cho chip bán dẫn.
Lấy ví dụ với việc thiết kế một con chip bán dẫn, nhóm nghiên cứu hướng đến giải pháp sử dụng giải thuật học tăng cường nhằm gợi ý những thiết kế vật lý tối ưu cho những mô đun bên trong con chip, nhờ đó giúp rút ngắn quá trình thiết kế cho chip bán dẫn.
Tiến sĩ Tuyên cho biết tại Hàn Quốc, có một cộng đồng nghiên cứu sinh mạnh trải đều ở tất cả các lĩnh vực khoa học công nghệ.
Hệ thống cơ sở vật chất cũng được nâng cấp thường xuyên, đáp ứng đầy đủ yêu cầu của việc nghiên cứu. Đặc biệt có một cộng đồng người Việt đông đảo có thể giúp đỡ các nghiên cứu sinh khi gặp các vấn đề khó khăn trong cuộc sống.
Hiện tại anh Tuyên đang theo đuổi những sáng chế liên quan đến thiết kế mạch bán dẫn sử dụng giải thuật học tăng cường, với mong muốn chúng sẽ đem lại giá trị cho ngành công nghiệp thiết kế mạch bán dẫn.
Dù sinh sống và làm việc tại Hàn Quốc, anh Tuyên luôn đau đáu hướng về quê nhà. Thời gian tới, anh dự định kết nối với các trường đại học tại Việt Nam để hướng dẫn cho các nhóm sinh viên có đam mê nghiên cứu khoa học.
Với những hiểu biết về hệ thống bằng sáng chế của Hàn Quốc, anh cũng đang tìm hiểu về quy trình chuyển giao công nghệ để có thể làm cầu nối trong trường hợp Việt Nam có nhu cầu về chuyển đổi số ở lĩnh vực công nghệ thông tin.
"Thương hiệu của các nhà khoa học trẻ Việt Nam trên thế giới chính là cần cù, chịu khó, cho nên tôi tin dù đi đến bất kỳ quốc gia nào đi chăng nữa các bạn cũng sẽ dễ dàng bắt nhịp được" - anh Tuyên nói.