Ùn tắc kéo dài vì tài xế dừng xe phản đối thu phí ở BOT An Sương - An Lạc

Nguyễn Yên |

Cho rằng chủ đầu tư BOT An Sương – An Lạc thu phí quá hạn 31 tháng, nhiều tài xế đã dừng ô tô, phản đối gây ùn tắc giao thông trên tuyến Quốc lộ 1A.

Chiều 7/1, trao đổi qua điện thoại với PV, ông Nguyễn Gia Thái Bình - Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân, TP HCM cho biết đến chiều 7/1, giao thông trên tuyến Quốc lộ 1A đoạn qua BOT An Sương - An Lạc, quận Bình Tân đã được thông suốt.

"Trưa cùng ngày, nhóm tài xế đã dừng ô tô phản đối tại BOT An Sương – An Lạc việc chủ đầu tư thu phí quá 31 tháng, gây ùn tắc giao thông. 

Nhận tin, UBND quận đã chỉ đạo Công an quận, công an phường cùng lực lượng chức năng có liên quan đến hiện trường vận động, điều tiết giao thông. Đến chiều 7/1, giao thông qua khu vực đã được thông suốt", ông Bình nói.

Theo ông Bình, sáng đến trưa 7/1, một số tài xế lái ôtô qua trạm BOT An Sương – An Lạc dừng phương tiện, không chịu mua vé và liên tục bóp còi phản đối, yêu cầu dỡ trạm thu phí khiến giao thông trên quốc lộ 1A kẹt xe kéo dài.

Công ty CP đầu tư phát triển hạ tầng IDICO (chủ đầu tư) buộc xả toàn bộ trạm, đảm bảo giao thông trên quốc lộ 1 thông suốt.

Tuy nhiên, các tài xế vẫn không chịu cho ôtô qua trạm, yêu cầu chủ đầu tư có câu giải thích rõ ràng.

Anh Tiến, tài xế xe tải cho biết từ 6/6/2017, anh đã nhận thông báo của Thanh tra Chính phủ rằng BOT An Sương – An Lạc đã thu phí quá thời hạn 31 tháng. Xe anh di chuyển trên cung đường không sử dụng dịch vụ xây cầu, nên không trả tiền.

"Ôtô qua trạm, nhân viên nhất quyết bắt mua vé nhưng tôi không mua, nhân viên xả trạm mời tôi qua. Tôi hỏi lý do vì sao mời qua trạm thì nhân viên thông báo xe dừng gây ùn ứ giao thông. Tôi không đồng ý chủ đầu tư cáo buộc tôi gây ùn ứ giao thông.

Xe tôi đi từ miền Tây lên TP.HCM nhưng không đi trên cầu Hương Lộ 2 thì tại sao phải trả tiền. Tôi cần câu giải thích rõ ràng", anh Tiến nói.

Ùn tắc kéo dài vì tài xế dừng xe phản đối thu phí ở BOT An Sương - An Lạc - Ảnh 1.

Tài xế dừng ô tô, phản đối tại BOT An Sương - An Lạc. Ảnh: Nguyễn Yên.

Trả lời với báo chí, ông Nguyễn Hồng Ninh, Giám đốc Công ty CP đầu tư phát triển hạ tầng IDICO, cho biết từ 8h sáng 7/1, tài xế bắt đầu dừng xe phản đối, sau đó đơn vị đã xả trạm cả hai chiều quốc lộ 1, nhưng tài xế vẫn không chịu đi, cố tình gây kẹt xe kéo dài.

Trước đó, Thanh tra Chính Phủ đã có kết luận về sai phạm tại 6 dự án đầu tư hạ tầng giao thông theo hợp đồng BT, BOT tại TP HCM.

Thanh tra Chính phủ cho rằng, dự án bổ sung 2 nút giao Quốc lộ 1 với Tỉnh lộ 10 và Quốc lộ 1 với Tỉnh lộ 10B, lắp đặt dải phân cách giữa làn xe cơ giới trên Quốc lộ 1, đoạn An Sương – An Lạc (hợp đồng BOT), TP đã sai phạm trong việc chỉ định Công ty cổ phần Đầu tư phát triển hạ tầng IDICO làm chủ đầu tư mà không đăng tải phổ biến thông tin dự án để các nhà đầu tư khác tham gia.

Đồng thời, Thanh tra Chính phủ kết luận, TP đã lập, thẩm định và phê duyệt dự án khả thi chưa đầy đủ, thiếu chính xác dẫn đến tăng tổng mức đầu tư hơn 11,4 tỷ đồng.

Phản hồi những kết luận của Thanh tra Chính phủ, UBND TP HCM cho rằng việc giao Công ty IDICO thực hiện 2 dự án bổ sung dựa trên chủ trương của Thủ tướng. Ngoài ra, việc tăng giá trị dự phòng không ảnh hưởng đến công tác thi công của dự án.

Theo ông Nguyễn Hồng Ninh, dự án BOT đầu tư quốc lộ 1A đoạn An Sương đến An Lạc được Thủ tướng chấp thuận tại Công văn số 392/CP-CN ngày 25/4/2000 và được điều chỉnh, bổ sung theo Quyết định số 3536/BGTVT-KHĐT ngày 24/11/2003 của Bộ Giao thông Vận tải.

Dự án bao gồm cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1 đoạn An Sương đến An Lạc dài gần 14 km, mở rộng 6 nút giao đồng mức và xây dựng 6 cầu mới trên toàn tuyến với tổng mức đầu tư hơn 831,6 tỷ đồng.

Công trình chính thức được đưa vào sử dụng từ cuối năm 2004 và bắt đầu thu phí từ 2/1/2015 đến 31/1/2017. 

Tuy nhiên, với tốc độ đô thị hóa nhanh chóng khiến áp lực gia tăng lưu lượng giao thông trên toàn tuyến quá lớn. Thực hiện chương trình kéo giảm ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông nên trước khi kết thúc việc thu phí giai đoạn này, Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển hạ tầng IDICO được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép tiếp tục đầu tư bổ sung vào hợp đồng BOT các hạng mục.

Cụ thể, đầu tư bổ sung lần 1 công trình cầu vượt tại nút giao Tỉnh lộ 10/Quốc lộ 1 và Tỉnh lộ 10B/Quốc lộ 1 với tổng mức đầu tư hơn 704,5 tỷ đồng, thời gian hoàn thành đưa vào sử dụng từ 30/8/2013.

Đầu tư bổ sung lần 2 công trình cầu vượt tại nút giao Hương lộ 2/Tây Lân/Quốc lộ 1 với tổng mức đầu tư hơn 407 tỷ đồng, đã được đưa vào sử dụng từ 31/12/2014.

Đầu tư bổ sung lần 3 công trình cầu vượt tại nút giao Lê Trọng Tấn/Nguyễn Thị Tú/Quốc lộ 1 với tổng mức đầu tư hơn 511,5 tỷ đồng và đã đưa vào sử dụng từ 17/5/2017.

Tổng mức đã đầu tư đến nay là hơn 2.454 tỷ đồng. Thời gian thu phí hoàn vốn đầu tư các hạng mục bổ sung nêu trên theo hợp đồng kéo dài từ 1/2/2017 đến 31/1/2033.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại