Một phần tên lửa có chứa bom chùm được tìm thấy tại vùng Kherson, Ukraine tháng 4/2023. Ảnh: The Washington Post/TTXVN
Theo trang Business Insider ngày 6/9, Liên minh Bom, đạn chùm (một chiến dịch xã hội dân sự toàn cầu ủng hộ cấm bom, đạn chùm) cho biết, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đã khiến các bên sử dụng loại bom đạn này ở mức kỷ lục toàn cầu từ khi bắt đầu có báo cáo này vào năm 2010.
Theo báo cáo “Giám sát bom, đạn chùm và mìn”, loại vũ khí này đã giết chết trên 300 người và làm bị thương trên 600 người ở Ukraine vào năm 2022, nâng số người thương vong ở 8 quốc gia xảy ra chiến tranh, xung đột, bao gồm Iraq, Syria và Yemen lên ít nhất 1.172 người.
Báo cáo cho biết cả Nga và Ukraine đều sử dụng loại vũ khí này nhưng không đưa ra thông tin cụ thể về tác động.
Theo báo cáo, Syria vốn là quốc gia đứng đầu danh sách thương vong do bom chùm hàng năm từ năm 2012. Còn trong năm 2022, Syria đứng thứ hai khi có 15 người thiệt mạng và 75 người bị thương do bom chùm.
Theo Liên minh Bom, đạn chùm, số lượng dân thường thiệt mạng liên quan đến các cuộc tấn công bằng bom chùm gia tăng đáng báo động và chiếm 95% số thương vong. Báo cáo cho biết phần lớn nạn nhân trên toàn thế giới là trẻ em.
Bà Tamar Gabelnick, Giám đốc Liên minh Bom, đạn chùm, kêu gọi ban hành lệnh cấm vũ khí này ngay lập tức. Bà nói: “Tất cả các quốc gia chưa cấm những loại vũ khí này phải cấm ngay lập tức. Không có lý do gì để tiếp tục sử dụng chúng”.
Từ đầu năm nay, quân đội Ukraine đã được Mỹ gửi đạn pháo 155 mm thuộc loại đạn thông thường cải tiến lưỡng dụng (DPICM), thường được gọi là bom, đạn chùm.
Đạn chùm có thể được thả từ trên không hoặc bắn như pháo. Sau khi được phóng đi, đạn chùm sẽ phân tán các quả đạn nổ nhỏ, gây sát thương trên một khu vực rộng.
Liên hợp quốc cho biết bom, đạn chùm có nguy cơ gây thảm họa nhân đạo tiềm tàng vì nhiều loại bom, đạn con không đáng tin cậy, có tỉ lệ không phát nổ cao, gây nguy hiểm rất lâu sau khi cuộc xung đột kết thúc.
Ông George Barros, nhà phân tích về Nga tại Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW), nói rằng bom, đạn chùm đang tỏ ra có khả năng gây chết người và hiệu quả hơn so với các loại đạn thông thường ở Ukraine.
Trước đó, hồi đầu tháng 8, kênh CNN cho biết Ukraine đã nộp cho Lầu Năm Góc một báo cáo về việc sử dụng bom, đạn chùm của Mỹ trong cuộc chiến với Nga. Báo cáo có thông tin về số lượng đạn đã được sử dụng và số mục tiêu Nga bị tiêu diệt.
Mỹ đã yêu cầu Ukraine phải làm báo cáo về DPICM gửi nước này theo thỏa thuận đã định .
Các quan chức Ukraine hy vọng DPICM sẽ hiệu quả hơn các loại đạn pháo bình thường, đặc biệt là trong đối phó với các nhóm binh sĩ lớn và thiết bị của Nga. Người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ (NSC) John Kirby nói bom chùm có tác động đến đội hình phòng thủ và cơ động của Nga.
Mỹ, Nga và Ukraine không nằm trong số hơn 100 quốc gia ký kết Công ước về bom, đạn chùm, theo đó cấm sản xuất và sử dụng bom chùm.
Ngày 16/7, Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo rằng Nga bảo lưu quyền sử dụng bom chùm để đáp trả việc Ukraine sử dụng loại vũ khí này. Phát biểu trên kênh truyền hình Russia-1, Tổng thống Putin nhấn mạnh rằng Nga hoàn toàn có quyền đáp trả các hành động sử dụng bom chùm chống lại nước này.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres cũng đã lên tiếng phản đối việc cung cấp bom, đạn chùm cho Ukraine.