Ukraine vừa nã pháo vừa lo, vì sao Nga thì không?

Hoài Giang |

Có phải pháo Liên Xô/Nga tốt hơn, ít hao mòn hơn pháo NATO hay không?

The New York Times: "Ukraine vừa nã pháo vừa lo"

Để bắt đầu bài viết chúng ta cần lưu ý tới cấu tạo nòng pháo có rãnh xoắn (khương tuyến). Khương tuyến giúp đạn pháo xoay tròn quanh chính nó ngay sau khi khai hỏa, triệt tiêu được gần như hoàn toàn lực rung lắc, giảm thiểu độ tản mát của đạn so với pháo nòng trơn.

Tuy nhiên để sản xuất ra nòng pháo loại này tốn rất nhiều thời gian và công sức, chưa kể sau một thời gian sử dụng, khương tuyến sẽ mòn dần và dẫn đến việc bảo dưỡng, thay mới nòng pháo rất khó khăn và tốn kém.

Theo một bài viết được The New York Times đăng tải vào tháng 11/2022, do tần suất sử dụng quá cao (mỗi ngày bắn hàng ngàn quả đạn) nên lượng lớn pháo Phương Tây viện trợ trong trang bị của các lực lượng Ukraine đã bị hao mòn.

Tại thời điểm đó các quan chức Mỹ và Ukraine cũng phải thừa nhận hàng trăm lựu pháo Phương Tây viện trợ cho Ukraine đã "kiệt sức" sau nhiều tháng sử dụng quá mức và có tới 1/3 trong số chúng không hoạt động được nữa.

Tất cả số pháo NATO này đều là loại nòng dài cỡ lớn và nòng của chúng không thể thay thế trên chiến trường, người Ukraine buộc phải vận chuyển số pháo này về Ba Lan và những nơi khác để bảo dưỡng.

Theo thời gian, vấn đề hao mòn này cùng việc thiếu đạn pháo đang ảnh hưởng lớn tới chiến sự ở Ukraine.

Ukraine vừa nã pháo vừa lo, vì sao Nga thì không?- Ảnh 1.

Hình minh họa.

Vì sao Nga thì không?

Câu hỏi được đặt ra là tại sao người Nga mà cụ thể là truyền thông và các chuyên gia của họ chưa bao giờ nêu ra vấn đề tương tự?

Có phải pháo của họ tốt hơn, khương tuyến ít bị mòn hơn hay không? Câu trả lời là không,  nếu phải khai hỏa liên tục ở cường độ cao, pháo Nga đều phải chịu hao mòn như bất kỳ loại vũ khí pháo binh nào khác.

Thậm chí do ít chịu cảnh thiếu đạn pháo hơn đối thủ nên nòng pháo của họ thường hao mòn nhanh hơn do khai hỏa nhiều hơn. Tuy nhiên khác với các quan chức Ukraine và Mỹ, họ không mấy lo lắng về vấn đề thay thế nòng pháo.

Được biết gần đây của nhà báo Nga Aleksandr Rogatkin đã có chuyến viếng thăm nhà máy Motovilikha, một nhà luyện kim và sản xuất quốc phòng trực thuộc Tập đoàn Rostec ở Perm, thành phố dưới chân dãy núi Ural.

Và các lý do có thể vừa được giải thích trong video được ông Rogatkin đăng tải lên kênh tin tức "Рогатким Live" (Rogatkin Live) của mình ít giờ trước.

Dưới đây là lược dịch nội dung video:

Nhà báo Nga Aleksandr Rogatkin: Vũ khí dành cho chiến thắng tương lai của chúng ta (Nga) đã được tạo ra như thế này... những khối kim loại nung nóng này cuối cùng sẽ chuyển thành nòng pháo của xe chiến đấu bộ binh (IFV).

Giám đốc kỹ thuật sản xuất sản phẩm dầu mỏ của Motovilikha Dmitry Kozlov: Cỗ máy rèn xuyên tâm này đã được đặt mua từ Áo vào năm 1975 và sau đó nó trở thành thứ duy nhất ở Liên Xô có thể tạo ra phôi nòng pháo.

Hỗn hợp kim loại nóng chảy vẫn ở dạng ban đầu, dạng lỏng khi chúng tôi bắt đầu quá trình rèn - tạo hình nó.

Video được kênh tin tức Nga đăng tải lên Internet ít giờ trước.

Tương ứng với loại vũ khí nòng càng dài, năng lượng và sức mạnh để rèn càng nhiều. Với yêu cầu nó (nòng pháo) không thể bị phá vỡ, đảm bảo sử dụng lâu dài, chúng tôi cần phải thay đổi cấu trúc của kim loại.

Khi hàng hóa được (khách hàng) yêu cầu là các nòng pháo chứ không phải là các đường ống vận chuyển dầu, ngay cả giám đốc của Motovilikha đã phải tự thay đổi bản thân nhanh chóng để trở thành người quản lý việc sản xuất sản phẩm pháo binh.

Giống như các doanh nghiệp khác, chúng tôi cũng phải trở thành một tổ chức lưỡng dụng - vừa phải tìm cách sản xuất các sản phẩm cho thị trường dân sự, vừa phải sản xuất cho quân sự.

Và như vậy chúng tôi đã có thể tái sản xuất các sản phẩm quân sự mà không gặp bất kỳ vấn đề gì.

Chúng tôi có công nghệ, có năng lực sản xuất, nhân sự của chúng tôi cũng đã được chuẩn bị và chúng tôi đã chuyển đổi trong yên lặng, không mất quá nhiều thời gian chuyển tiếp để trở thành doanh nghiệp quốc phòng.

Giám đốc sản xuất của Motovilikha Vyacheslav Tsybulim lưu ý: 

Quân đội (Nga) đang rất cần nòng pháo cho pháo và xe tăng, và ở Motovilikha chúng tôi đang dồn mọi nỗ lực để chế tạo chúng. Nòng pháo là bộ phận bị hao mòn nhanh nhất trên pháo và cần thay thế sau một lượng khai hỏa nhất định.

Những nòng pháo cũ - sau khi khai hỏa hàng nghìn lần - sẽ được đưa tới để nấu chảy trước khi nòng pháo mới được chế tạo từ chính loại thép đặc biệt đó.

Tùy theo cỡ nòng, sẽ mất khoảng 6 tháng để chế tạo ra các phôi luyện kim trước khi chúng được gửi đến chỗ chúng tôi và mất thêm 4 tháng để hoàn thiện nòng pháo. Và tất cả thời gian để một nòng pháo ra lò là từ 9 đến 10 tháng...

Chỉ riêng thời gian tạo ra khương tuyến cho nòng đã khoan sẵn đã mất gần 1 ngày. Tuy nhiên cả máy móc, công cụ và công nghệ đều là nội địa (Nga)... tôi có thể nói chúng tôi đã sử dụng một số công nghệ khá độc đáo.

CEO (Giám đốc điều hành) Motovilikha, ông Sergey Dyadkin thì đưa ra kết luận: Hiện vẫn có một lượng lớn pháo nòng dài được quân đội (Nga) niêm cất - đi cùng nòng pháo thay thế của chúng - và chúng tôi không cần phải sản xuất chúng.

Về điều này chúng ta (Nga) cần phải cảm ơn người Liên Xô... vì đã không chỉ sản xuất mà còn cất giữ chúng.

Motovilikha hiện sản xuất nòng cho các loại pháo cối 120, 130, 152 mm, ống phóng pháo phản lực phóng loạt (MRLS) 122, 220 và 300 mm. Kể từ tháng 2/2022, doanh nghiệp này cũng đã hứng chịu nhiều lệnh trừng phạt của Phương Tây.

Ukraine vừa nã pháo vừa lo, vì sao Nga thì không?- Ảnh 2.

Hình minh họa.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại