Ukraine tuyên bố đánh lừa thành công,
Nga thiệt hại tên lửa 3 triệu USD
Theo Business Insider (BI) ngày 7/7, lực lượng Ukraine tuyên bố họ vừa lừa Nga "một vố lớn" khi khiến Moscow dùng tên lửa đắt đỏ Iskander-M tấn công vào các mô hình máy bay và hệ thống phòng không giả.
Trung Tướng Mykola O Meatchuk - Tư lệnh Không quân Ukraine - đã tự hào biểu dương chiến thuật khôn ngoan này qua Telegram, đồng thời đăng tải đoạn video chứng minh các cuộc tấn công gần đây của Nga bằng tên lửa Iskander-M vào các mô hình do lực lượng Ukraine bố trí tại một sân bay gần thành phố Kryvyi Rih (miền trung Ukraine) và khu Yuzhne, gần cảng Odessa ở Biển Đen.
Meatchuk cho biết các đoạn video do máy bay không người lái Nga ghi lại.
Đoạn video do Tư lệnh Không quân Ukraine Mykola O Meatchuk đăng tải ngày 7/7.
"Lực lượng Không quân Ukraine đã thực hiện thành công các biện pháp phòng thủ thụ động" - Meatchuk viết trong bài đăng - "Cảm ơn tất cả những người đã giúp đỡ chúng tôi tạo ra các mô hình máy bay và hệ thống phòng không chất lượng cao. Đối phương đã vơi đi các tên lửa Iskander, sắp tới sẽ có thêm nhiều mô hình như thế được chuyển giao".
Trước đó, Bộ Quốc phòng Nga công bố đoạn video do máy bay không người lái ghi lại cho thấy tên lửa Iskander tấn công, "quét sạch" 2 tổ hợp Patriot và hệ thống radar Giraffe của Ukraine ở gần Yuzhnoye, vùng Odessa ngày 6/7.
Cách đó 3 ngày, cơ quan này tuyên bố, tên lửa Iskander đã bắn trúng sân bay Dovhyntseve của Ukraine, phá hủy tiêm kích MiG-29.
Tuy nhiên, theo tuyên bố của Ukraine, ở cả 2 cuộc tấn công, Nga đều "bắn nhầm vào mô hình".
Bộ Quốc phòng Nga công bố video phá hủy 2 hệ thống tên lửa phòng không Patriot của Ukraine.
Theo BI, đây dường như không phải là lần đầu tiên Ukraine sử dụng các mô hình quân sự để đánh lừa đối thủ kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine tháng 2/2022.
Các bức ảnh và video lan truyền trên mạng xã hội hồi tháng 2 năm nay cho thấy các phiên bản "mồi bẫy" với độ chân thực cao, mô phỏng radar và các hệ thống phòng không của Ukraine.
Tương tự như Ukraine, theo báo cáo của Bộ Quốc phòng Anh tháng 3/2024, Nga cũng sử dụng chiến thuật này trong chiến tranh khi vẽ hình chiếu của các tàu hải quân trên đất liền để đánh lừa đối thủ.
Mô hình radar AN/MPQ-64 được Ukraine triển khai để đánh lừa lực lượng Nga trên chiến trường (tháng 2/2024). Nguồn: OSINTechnical
Theo Trung tâm Dự án Phòng thủ Tên lửa - Các nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, Iskander-M là tên lửa đạn đạo tầm ngắn cơ động của Nga với tầm bắn lên tới 500km.
Tên lửa này có trọng lượng phóng lên tới hơn 4.000kg và được Nga triển khai lần đầu tiên trong chiến dịch tại Gruzia năm 2008. Moscow tuyên bố, hiện chưa có loại tên lửa nào của phương Tây có thể trở thành đối thủ của Iskander, ít nhất là cho tới năm 2025.
Theo tờ Pravda Ukraine, một tên lửa Iskander có giá lên tới 3 triệu USD. Hiện chưa rõ Nga đã triển khai bao nhiêu tên lửa Iskander cho đợt tấn công mới nhất nhằm phá hủy các "hệ thống tên lửa Patriot" tại Ukraine.
Nga "săn lùng ráo riết" Patriot
Bộ Quốc phòng Nga chưa đưa ra phản hồi nào trước tuyên bố "đánh lừa thành công" của Ukraine. Tuy nhiên, "Operation Z: War Correspondents of the Russian Spring" - một kênh Telegram quân sự có tiếng ở Nga - cho rằng, xét tới vụ nổ được ghi lại trong đoạn video về cuộc tấn công của Iskander, không có mô hình nào có thể "phát nổ tới cỡ đó".
Các hệ thống tên lửa Patriot của Mỹ gần đây đang trở thành mục tiêu trọng điểm của Nga, sau khi chính phủ Mỹ hôm 20/6 công bố kế hoạch "dốc toàn lực" tăng cường các tên lửa Patriot cho Ukraine bằng cách trì hoãn đơn hàng cung cấp cho các nước khác.
Kiev cũng tích cực "vận động hành lang" để có thêm Patriot do tên lửa này giữ vai trò rất quan trọng trên chiến trường, cho phép lực lượng Ukraine có cơ hội bắn hạ tên lửa đạn đạo và tên lửa siêu thanh của Nga trong bối cảnh Moscow đang tăng cường các cuộc tấn công vào cơ sở năng lượng của Ukraine.
Đây cũng là hệ thống phòng không tiên tiến nhất mà phương Tây cung cấp cho Ukraine tới nay, với tầm bắn xa nhất từ 70 đến 160 km.
Người phát ngôn Nhà Trắng John F. Kirby hôm 20/6 đã hứa hẹn về các đợt chuyển giao mới cho Kiev với số lượng "lên tới hàng trăm (tên lửa)".
Chưa dừng lại ở đó, hôm 29/6, tờ Financial Times cho biết, Mỹ, Israel và Ukraine đang đàm phán để cung cấp cho Kiev tối đa 8 hệ thống phóng Patriot. Nếu thỏa thuận này thành hiện thực, việc chuyển giao sẽ đánh dấu một bước thay đổi trong khả năng phòng thủ của Ukraine.
Phản ứng với động thái của Mỹ và đồng minh, Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc - Vassily Nebenzia cảnh báo việc này có thể gây ra "những hậu quả chính trị nhất định".
"Vũ khí, dù được ai chuyển đến Ukraine, cuối cùng cũng sẽ bị phá hủy, giống như các vũ khí khác của Mỹ và phương Tây. Đó là điều hiển nhiên" - ông Nebenzia nhấn mạnh.
Trước đó, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cảnh báo, mỗi đợt phương Tây cung cấp thêm vũ khí cho Ukraine là một lần leo thang căng thẳng mới.
"Mỗi đợt cung cấp mới là một đợt leo thang căng thẳng và trách nhiệm thuộc về những nước khởi xướng. Tuy nhiên, Nga sẵn sàng cho điều này và có biện pháp đối phó" - Ông Peskov nói.
Gần đây nhất, vào đêm 26/6, theo tờ Moskovskij Komsomolets (MK) của Nga, tiêm kích đánh chặn MiG-31K của lực lượng hàng không vũ trụ Nga đã xuất kích, bắn tên lửa siêu thanh vào thủ đô Kiev, với mục tiêu chính là các hệ thống tên lửa phòng không nước ngoài cung cấp cho Ukraine, trong đó có tên lửa Patriot.