Cụm công nghệ quốc phòng Brave1 của Ukraine đã phát triển thành công robot cảm tử Ratel S, cho phép quân đội tấn công mục tiêu của đối phương từ khoảng cách an toàn.
Robot cảm tử Ratel S của Ukraine được gắn đạn cối 82 mm mô phỏng. Ảnh: Fedorov Mykhailo
“Robot này được sử dụng như một đầu đạn di động mang mìn chống tăng hoặc các thiết bị nổ khác”, Viktoriia Kovalchuk, Người phát ngôn của Brave1 cho hay.
Ratel S (hay Honey Badger) có thể chở tới 35kg ở tốc độ tối đa 45km/h. Phương tiện này có thể hoạt động trong 40 - 50 phút ở tốc độ trung bình hoặc tối đa 2 giờ với tốc độ chậm hơn.
Hình ảnh Ratel S được Bộ trưởng Chuyển đổi số Ukraine Mykhailo Fedorov đăng tải trên mạng xã hội X (trước đây là Twitter) hôm 24/10.
Các bức ảnh cho thấy một phương tiện không người lái 4 bánh được gắn đạn cối 82 mm mô phỏng. Một bức ảnh khác cho thấy nó được gắn thiết bị lặp tín hiệu và mìn chống tăng TM-62 màu vàng.
Ratel S được gắn mìn chống tăng TM-62. Ảnh: Fedorov Mykhailo
Theo ông Fedorov, Ratel S có thể “cho nổ tung” xe tăng và thiết bị của đối phương trong khi người điều khiển ở một địa điểm an toàn. Phương tiện này có tầm hoạt động khoảng 6km.
Ratel S được gắn bộ lặp và hệ thống kích nổ từ xa, được điều khiển thông qua hệ thống góc nhìn thứ nhất trên kính đeo của người điều khiển.
Trưởng nhóm phát triển Ratel S, Taras Ostapchuk, cho hay, robot cảm tử này có thể lặng lẽ tiếp cận các vị trí của đối phương, vượt qua chướng ngại vật cao 20 - 25cm và hoạt động hiệu quả trên địa hình cát.
Một đoạn do hãng tin Militarnyi của Ukraine chia sẻ cho thấy Ratel S băng qua mặt đất lầy lội.
“Ratel S có thể vượt qua mọi địa hình mà xe jeep có thể di chuyển”, ông Ostapchuk tuyên bố.
Ratel S đã vượt qua các cuộc thử nghiệm thực địa và đã được đưa vào sản xuất hàng loạt.
Hồi tháng 8, Brave1 đã chia sẻ hình ảnh một phương tiện không người lái thử nghiệm trên mặt đất nhưng từ chối chia sẻ bất kỳ thông tin chi tiết với lý do bảo mật.