Thế hệ máy bay chiến đấu Su-35 mới nhất của Nga sở hữu những năng lực mà quân đội Ukraine không thể vô hiệu hóa, một quan chức cấp cao trong chính phủ Ukraine cho hãng tin ABC News biết.
Các máy bay chiến đấu Su-35 mới nhất của Nga được trang bị "hệ thống radar rất hiệu quả cũng như các tên lửa tầm xa", cho phép chúng tấn công các máy bay phản lực của Ukraine và hỗ trợ trên không cho lực lượng dưới mặt đất của Nga, quan chức giấu tên trong chính quyền của Tổng thống Ukraine Zelensky cho biết trong một bài báo đăng ngày hôm qua (27/3). Vị quan chức này nói thêm rằng Ukraine "không có khả năng" để chống lại mối đe dọa từ các chiến đấu cơ Su-35 của Nga.
Quân đội trung thành với Kiev coi ưu thế vượt trội trên không của các lực lượng Nga là một “nguy cơ thực sự”, vị quan chức giấu tên trong chính quyền Ukraine thừa nhận. Theo ông này, thực tế trên đã thúc đẩy Kiev đặt việc đòi hỏi Mỹ cung cấp thêm các hệ thống phòng không từ siêu cường số 1 thế giới là “ưu tiên số 1” đối với Ukraine. “Đây là một vấn đề,” một quan chức giấu tên khác nói. “Những gì chúng tôi tiếp tục nhấn mạnh với người Mỹ là cuối cùng, không có giải pháp nào khác ngoài việc cung cấp cho chúng tôi máy bay chiến đấu.” Vị quan chức của Ukraine cho biết, Nga có số lượng máy bay quân sự gấp 12 lần Ukraine.
Những bình luận mới nhất từ Kiev mâu thuẫn với những tuyên bố gần đây của các nhà lãnh đạo phương Tây. Một quan chức phương Tây từng nói với các phóng viên trong một cuộc họp báo vào tuần trước rằng sức mạnh không quân của Nga ở Ukraine bị hạn chế bởi hệ thống phòng không của Kiev, bao gồm cả tên lửa đất đối không.
Tuy nhiên, vị quan chức Ukraine lưu ý rằng khi Nga thay thế các mẫu máy bay cũ bằng chiến đấu cơ Su-35 mới nhất, họ sẽ có lợi thế hơn. Ông này thừa nhận rằng với việc Washington từ chối cung cấp máy bay chiến đấu cho Ukraine cho đến thời điểm này, Kiev ngày càng chấp nhận rằng chính phủ nên tập trung vào việc cố gắng mua thêm các hệ thống phòng không và pháo binh từ Mỹ.
Chính phủ Slovakia và Ba Lan tuần trước đã cam kết cung cấp máy bay chiến đấu MiG-29 từ thời Liên Xô cho Ukraine. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết hai thành viên NATO dường như đang sử dụng cuộc khủng hoảng Ukraine để thanh lý “các thiết bị cũ mà họ không cần nữa”.
Kiev từng bày tỏ rằng mặc dù họ "biết ơn" về vũ khí mà Ba Lan và Slovakia hứa cung cấp, nhưng máy bay Liên Xô sẽ là không đủ. Người phát ngôn của Lực lượng Không quân Ukraine Yuri Ignat nhấn mạnh rằng những chiếc máy bay chiến đấu đó "không có khả năng thay đổi đáng kể tình hình trên chiến trường."
“MiG sẽ không giải quyết được các nhiệm vụ; chúng tôi cần những chiếc F-16,” ông Ignat đã nói như vậy với các phóng viên, đồng thời nói thêm rằng trong khi những chiếc chiến đấu cơ MiG sẽ “giúp tăng cường khả năng của chúng tôi” thì Ukraine cần “máy bay đa năng của phương Tây” để “giành lợi thế trước kẻ thù”.
Bất chấp những yêu cầu liên tục của phía Ukraine đối với các máy bay chiến đấu của Mỹ, Nhà Trắng đã từ chối thực hiện mong muốn của Kiev. Phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby từng nói với các phóng viên rằng quyết định của Ba Lan “không thay đổi tính toán của chúng tôi liên quan đến các chiến đấu cơ F-16.” Tuy nhiên, Washington đã từng vạch ra những lằn ranh đỏ tương tự đối với các thiết bị quân sự khác trước đó trong cuộc xung đột ở Ukraine, chẳng hạn như hệ thống tên lửa Patriot, nhưng sau đó đã đảo ngược lập trường đó và cho phép chuyển những vũ khí này tới cho Kiev.
Moscow đã nhiều lần cáo buộc phương Tây cố tình “kéo dài” cuộc xung đột ở Ukraine bằng cách cung cấp cho Ukraine các thiết bị quân sự tiên tiến trị giá hàng tỷ đô la.
Kiev cho biết những vũ khí được phương Tây cung cấp rất quan trọng trong việc giúp họ chống lại cái mà họ gọi là cuộc chiến tranh xâm lược bất hợp pháp của Nga.