Xe tăng Ukraine bị cháy ở Kolychivka. Ảnh: Getty Images
Theo đài RT ngày 17/6, chỉ huy hậu cần của lực lượng trên bộ của Ukraine, ông Volodymyr Karpenko, đã đưa ra thông tin trên trong một cuộc phỏng vấn với Tạp chí Quốc phòng. Ông Karpenko cho biết do chiến đấu tích cực nên tổn thất trang thiết bị lên tới 30 - 40%, đôi khi lên đến 50%. Ông nói cụ thể: “Chúng tôi đã mất khoảng 50%. Khoảng 1.300 xe chiến đấu bộ binh, 400 xe tăng, 700 hệ thống pháo”.
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Ukraine Denys Sharapov trong cùng một cuộc phỏng vấn đã cho biết rằng nguồn cung cấp vũ khí của phương Tây không đáp ứng được nhu cầu của Ukraine.
Ông Sharapov nói: “Chúng tôi đã nhận được một số lượng lớn các hệ thống vũ khí, nhưng thật không may là với nguồn lực có thể tiêu hao ồ ạt như vậy, số vũ khí này chỉ đáp ứng được 10 đến 15% nhu cầu của chúng tôi”.
Ông không tiết lộ chính xác số lượng vũ khí hạng nặng mà Ukraine cần nhưng nhấn mạnh rằng nhu cầu về các hệ thống pháo hạng nặng được tính bằng hàng trăm. Ôn nói: “Chúng tôi cần pháo binh, cần đạn pháo, xe chiến đấu bộ binh, xe chiến đấu, xe tăng. Chúng tôi thực sự cần các hệ thống phòng không và hệ thống tên lửa phóng loạt”. Các hệ thống vũ khí chính xác cao cũng sẽ rất quan trọng, vì những hệ thống như vậy sẽ giúp Ukraine có lợi thế hơn kẻ thù, chiếm ưu thế trong cuộc chiến này.
Thứ trưởng Sharapov thừa nhận các vấn đề mà các nước phương Tây phải giải quyết trong khi thu xếp chuyển giao vũ khí cho Ukraine, như việc xin phép chuyển giao công nghệ từ tất cả các chủ sở hữu hệ thống phụ. Tuy nhiên, ông Sharapov nhấn mạnh: “Không phải tất cả các chính trị gia đều hiểu được mức độ nghiêm trọng của những gì đang diễn ra ở Ukraine. Đó là lý do tại sao chúng tôi muốn nhân cơ hội này… một lần nữa thu hút sự chú ý của toàn thế giới rằng đây là cuộc chiến không chỉ ở Ukraine, đây là cuộc chiến ảnh hưởng đến toàn thế giới”.
Trong khi đó, ông Karpenko đưa ra ước tính về nhu cầu vũ khí của Ukraine: “Hãy nghĩ về điều này: một lữ đoàn phụ trách khoảng 40 km. Điều đó có nghĩa là để phụ trách toàn bộ khu vực đang diễn ra xung đột, chúng tôi cần 40 lữ đoàn. Mỗi lữ đoàn có 100 xe chiến đấu bộ binh, 30 xe tăng, 54 hệ thống pháo mà chúng tôi có tới 40 lữ đoàn”.
Trong khi đó, Nga liên tục cảnh báo phương Tây về việc bơm vũ khí cho Ukraine, đồng thời tuyên bố rằng điều đó sẽ dẫn đến kéo dài xung đột và dẫn đến nhiều vấn đề lâu dài. Nga cũng nói rõ rằng các lực lượng của mình sẽ coi vũ khí nước ngoài gửi cho Ukraine là mục tiêu hợp pháp.
Tuần trước, trợ lý tổng thống Ukraine Alexey Arestovich cho biết Lực lượng vũ trang Ukraine đã mất khoảng 10.000 người kể từ đầu cuộc chiến. Tuy nhiên, ông Arestovich tuyên bố rằng tổn thất của Nga còn lớn hơn gấp nhiều lần.
Các số liệu do Bộ Quốc phòng Nga công bố về tổn thất của Quân đội Ukraine cao hơn đáng kể so với số liệu mà ông Arestovich nói: 23.367 người tính đến ngày 18/4.
Nga không tiết lộ thiệt hại của mình - cả về thiết bị cũng như nhân sự. Đầu tháng này, Chủ tịch Ủy ban quốc phòng Duma Nga, Andrey Kartapolov, tuyên bố rằng do những thay đổi trong chiến lược quân sự, quân đội Nga thực tế đã không còn mất thêm người. Đó là lý do tại sao Bộ Quốc phòng đã không cập nhật thông tin về thiệt hại kể từ tháng 3, khi báo cáo có 1.351 quân nhân thiệt mạng.
Vào tháng 4, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Nga đã phải hứng chịu thiệt hại đáng kể về quân số và đó là một thảm kịch lớn.
Nga đã tấn công Ukraine vào cuối tháng 2, sau khi Ukraine không thực hiện các điều khoản của thỏa thuận Minsk được ký kết lần đầu tiên vào năm 2014. Nga đã công nhận độc lập của các nước cộng hòa tự xưng Donetsk và Lugansk.
Điện Kremlin kể từ đó đã yêu cầu Ukraine chính thức tuyên bố là một quốc gia trung lập và sẽ không bao giờ tham gia vào khối quân sự NATO do Mỹ đứng đầu. Kiev khẳng định cuộc tấn công của Nga là hoàn toàn vô cớ và bác bỏ tuyên bố rằng họ đang có kế hoạch chiếm lại hai nước cộng hòa bằng vũ lực.