Ukraine thất bại cô lập Nga và hồi kết cho xung đột bị bỏ ngỏ

Kiều Anh |

Ukraine không thể thuyết phục các nước lớn từ Bán cầu Nam tham gia vào nỗ lực cô lập Nga, trong khi hồi kết cho xung đột vẫn bị bỏ ngỏ tại hội nghị thượng đỉnh hòa bình ở Thụy Sĩ với hơn 90 quốc gia tham dự.

Nỗ lực lôi kéo các nước cô lập Nga không thành

Các nước phương Tây và đồng minh tại hội nghị thượng đỉnh hòa bình ở Thụy Sĩ đã chỉ trích Nga vì cuộc xung đột ở Ukraine nhưng họ không thể thuyết phục các nước lớn không liên kết tham gia vào tuyên bố cuối cùng và cũng không có quốc gia nào thúc đẩy việc tổ chức hội nghị tiếp theo.

Hơn 90 quốc gia đã tham gia các cuộc trao đổi 2 ngày ở Thụy Sĩ theo đề nghị của Tổng thống Volodymyr Zelensky, được gọi là "hội nghị thượng đỉnh hòa bình" mặc dù Moscow không được mời tham dự.

Ukraine thất bại cô lập Nga và hồi kết cho xung đột bị bỏ ngỏ- Ảnh 1.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại hội nghị thượng đỉnh hòa bình ở Thụy Sĩ ngày 16/6/2024. Ảnh: Reuters

Nga chỉ trích hội nghị này từ xa. Trong khi đó, quyết định của Trung Quốc khi không tham gia hội nghị càng cho thấy sự kiện này không thể đạt được mục tiêu của Ukraine, đó là thuyết phục các nước lớn từ Bán cầu Nam tham gia vào nỗ lực cô lập Nga.

Brazil tham dự hội nghị chỉ với tư cách là một bên "quan sát". Ấn Độ, Indonesia, Mexico, Saudi Arabia và Nam Phi đều từ chối ký vào tuyên bố chung của hội nghị mặc dù một số vấn đề bất đồng đã được loại bỏ với hy vọng thu hút được sự ủng hộ rộng rãi hơn.

Dù vậy, hội nghị mang đến cho Kiev cơ hội để thể hiện sự ủng hộ của phương Tây với nước này.

Các nhà lãnh đạo bao gồm Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris, Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Tổng thống pháp Emmanuel Macron đã tập trung tại khu nghỉ dưỡng Buergenstock tổ chức hội nghị. Tổng thống Mỹ Joe Biden đến châu Âu để tham dự một số sự kiện vào tuần trước, không tham dự hội nghị bất chấp lời mời công khai của Tổng thống Zelensky.

Tiền tuyến Ukraine hầu như không dịch chuyển kể từ cuối năm 2022 dù hai bên đối mặt với tổn thất về lực lượng và trang thiết bị.

Trong bài phát biểu khép lại hội nghị, Tổng thống Thụy Sĩ Viola Amherd cảnh báo "con đường phía trước rất dài và thách thức".

Sau những thành công ban đầu khi Ukraine đẩy lùi được cuộc tấn công của đối phương vào thủ đô và giành lại các vùng lãnh thổ trong năm đầu của xung đột, cuộc phản công lớn của Kiev, sử dụng xe tăng được phương Tây hỗ trợ, đã thất bại vào năm ngoái.

Các lực lượng của Nga vẫn kiểm soát 1/5 lãnh thổ Ukraine và đang tiếp tục tiến công. Không có cuộc đàm phán hòa bình nào được tổ chức trong hơn 2 năm qua.

"Chúng tôi biết hòa bình ở Ukraine sẽ không thể đạt được trong một bước mà sẽ là một hành trình", Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nói, đồng thời kêu gọi sự "kiên nhẫn và quyết tâm".

Hồi kết cho xung đột bị bỏ ngỏ

Thiếu vắng một lộ trình rõ ràng để chấm dứt xung đột, Tổng thống Zelensky nhấn mạnh đến những vấn đề thực tế, chẳng hạn như sự an toàn hạt nhân và đảm bảo nguồn cung lương thực từ Ukraine - một trong những nhà sản xuất lúa mì lớn nhất thế giới.

Tuyên bố cuối cùng của hội nghị thượng đỉnh kêu gọi, quyền kiểm soát của Ukraine với nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia và các cảng biển Azov phải được khôi phục. Cùng với những mục tiêu khiêm tốn hơn của hội nghị, tuyên bố này đã loại bỏ các vấn đề khó nhằn như giải pháp cho Ukraine hậu xung đột, việc liệu Kiev có thể gia nhập NATO hay không hoặc việc rút quân của hai bên sẽ diễn ra như thế nào.

Khi các cuộc đàm phán ngày 16/6 cuối cùng lại biến thành các cuộc thảo luận về những vấn đề như an ninh năng lượng và điện hạt nhân, một số nhà lãnh đạo đã rời đi sớm.

Không có nước nào thúc đẩy việc tổ chức một hội nghị tương tự như vậy, đặc biệt là với sự im lặng đáng chú ý của Saudi Arabia - quốc gia được cho là có thể trở thành địa điểm tổ chức tương lai. Ngoại trưởng Saudi Arabia - Hoàng tử Faisal bin Farhan Al Saud nhận định nước này sẵn sàng hỗ trợ tiến trình hòa bình nhưng một giải pháp khả thi cần tới "sự nhượng bộ khó khăn".

Kể từ các cuộc đàm phán hòa bình đầu tiên vào những tháng đầu xung đột, Ukraine liên tục yêu cầu Nga rút quân khỏi toàn bộ lãnh thổ nước này trong khi Moscow yêu cầu công nhận sự kiểm soát đối với vùng lãnh thổ đã tuyên bố sáp nhập.

Tuần trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết Nga sẽ không dừng chiến dịch quân sự cho tới khi các lực lượng của Kiev rút toàn bộ lực lượng khỏi 4 vùng lãnh thổ mà Moscow tuyên bố sáp nhập và kiểm soát một số phần. Kiev đã nhanh chóng chỉ trích điều đó giống như một yêu cầu đầu hàng.

Dù vậy, Ngoại trưởng Ukraine Dmitry Kuleba thừa nhận rằng, cuối cùng sẽ cần phải có sự tham gia của Nga vào các cuộc đàm phán hòa bình.

“Hội nghị thượng đỉnh tiếp theo sẽ đặt dấu chấm hết cho cuộc xung đột và tất nhiên, chúng ta cũng cần phía bên kia ngồi vào bàn đàm phán. Rõ ràng là cần phải có sự tham gia của cả hai bên để kết thúc cuộc xung đột. Việc của chúng tôi là đảm bảo rằng Ukraine ở vị thế mạnh nhất vào thời điểm cần phải thương lượng với Nga”, ngoại trưởng Kuleba tuyên bố.

Các nhà lãnh đạo phương Tây tại hội nghị thượng đỉnh đã ủng hộ việc Kiev từ chối đàm phán trước những điều khoản như vậy.

"Nhập nhằng giữa hòa bình và khuất phục sẽ tạo tiền lệ nguy hiểm cho mọi người", Thủ tướng Italy Giorgia Meloni nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại