Ukraine thanh lý MiG-27, Việt Nam có nên mua để thay thế Su-22?

Tuấn Trung |

MiG-27 Flogger-D/J là phiên bản cường kích tấn công mặt đất được phát triển từ MiG-23, nó có vai trò tương tự như Su-22 đang phục vụ trong Không quân Việt Nam.

Theo thông báo của Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), vào giữa thập niên 2000, Ukraine đã cung cấp cho Không quân Srilanka tổng cộng 11 chiếc cường kích cánh cụp cánh xòe MiG-27K với đơn giá 8 triệu USD/máy bay.

Thương vụ trên được đánh giá là một món hời lớn đối với quốc gia Nam Á này, do dư thừa so với nhu cầu, MiG-27 đã bị không quân Ukraine lưu kho trong tình trạng kỹ thuật còn rất tốt. Sau khi Srilanka tiếp nhận, chúng đã phát huy tác dụng rất lớn trong cuộc chiến chống lại phiến quân LTTE.

Ukraine thanh lý MiG-27, Việt Nam có nên mua để thay thế Su-22? - Ảnh 1.

Cường kích MiG-27 của Không quân Srilanka

Do được phát triển từ tiêm kích đánh chặn MiG-23 nên MiG-27 có hình dáng khá tương đồng, thay đổi đáng kể nhất là khung máy bay được làm to hơn một chút cho phù hợp với việc mang tải trọng vũ khí nặng, đi kèm với phần mũi sửa đổi kiểu "mỏ vịt" để loại bỏ radar theo dõi và ngắm bắn bằng hệ thống dẫn đường tấn công quang học thế hệ mới.

MiG-27K có chiều dài 17,08 m; sải cánh 13,97 m khi xòe và 7,78 m khi cụp; chiều cao 5 m; trọng lượng rỗng 11, 9 tấn; trọng lượng cất cánh tối đa 20, 6 tấn. 

Động cơ Khatchaturov R-29B-300 cung cấp lực đẩy khô 78,5 kN và lên tới 112,8 kN khi đốt nhiên liệu phụ trội cho tốc độ tối đa 1.885 km/h khi hoạt động ở độ cao lớn hay 1.350 km/h khi bay bám biển; bán kính chiến đấu 780 km; tầm bay chuyển sân 2.500 km; trần bay 14.000 m; vận tốc leo cao 200 m/s.

MiG-27 mang được 4 tấn vũ khí trên 7 giá treo ở cánh và thân, bao gồm các loại bom, tên lửa không đối đất điều khiển bẳng laser, TV hay bom rơi tự do, ngoài ra máy bay còn có 1 khẩu pháo GSh-6-30 cỡ 30 mm với cơ số 260 viên đạn. Trong khi thực hiện nhiệm vụ, MiG-27 thường mang tên lửa không đối không tầm ngắn R-60 để tự vệ.

Ukraine thanh lý MiG-27, Việt Nam có nên mua để thay thế Su-22? - Ảnh 2.

Ấn Độ hiện là quốc gia có phi đội MiG-27 lớn nhất thế giới với 165 chiếc được lắp ráp trong nước bởi Tập đoàn HAL

Theo một số nhận định, ước tính đến thời điểm sau năm 2020, Việt Nam sẽ từng bước cho "Đôi cánh ma thuật" Su-22 "nhận sổ hưu", lựa chọn một loại cường kích thế hệ mới để đảm nhiệm thay vai trò của chúng vẫn là bài toán nan giải, đặc biệt khi trên thế giới hiện đã không còn Su-22 seconhand đủ tốt để mua lại nữa.

Vậy trong trường hợp đó, Việt Nam có nên học tập kinh nghiệm của Srilanka và đề nghị phía Ukraine cung cấp một số cường kích MiG-27 đang trong tình trạng niêm cất bảo quản?

So với Su-22, MiG-27 được đánh giá cao hơn ở khả năng vận động, đặc biệt là ở độ cao thấp do không còn sử dụng đôi cánh cụp - xòe kiểu "nửa vời".

Bên cạnh đó, hệ thống ngắm bắn quang điện tử của MiG-27 có trường nhìn rộng, cho phép tấn công mục tiêu mặt đất ở góc xiên hẹp, điều mà tổ hợp Klen trên Su-22 gặp rất nhiều hạn chế (muốn ném bom laser, Su-22 yêu cầu phải huy động 2 chiếc, trong đó một chiếc bay cao chiếu laser để chiếc còn lại bay thấp ném).

Tuy nhiên ngoài hai ưu điểm trên thì MiG-27 cũng không có lợi thế nào khác, thậm chí tốc độ, tầm bay và tải trọng vũ khí của nó còn kém Su-22. 

Ngoài ra nếu đưa vào khai thác một loại phi cơ mới sẽ yêu cầu công tác đào tạo phi công cũng như hạ tầng kỹ thuật phải được xây dựng từ con số không, đây là điều bất hợp lý, chẳng đáng để đầu tư khi MiG-27 bị đánh giá là đã lạc hậu.

Với định hướng tiến thẳng lên hiện đại, phương án mua sắm các loại chiến đấu cơ đa năng như Su-30SM, Su-34 hay F-16 để lấp khoảng trống mà Su-22 để lại tỏ ra hợp lý hơn nhiều. Do vậy có thể khẳng định rằng sẽ không xảy ra trường hợp Không quân Việt Nam mua lại MiG-27 của Ukraine cho dù giá bán của chúng có rẻ hơn nữa.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại