Trong bài viết mới đây trên tờ EurAsian Times, chuyên gia Tanmay Kadam tiết lộ, một chuyên gia quân sự Nga được cho là có quan hệ mật thiết với Điện Kremlin đã cảnh báo rằng, Ukraine có thể tấn công Moscow, sau khi tấn công 3 căn cứ không quân sâu bên trong lãnh thổ nước Nga.
Theo bài viết, ông Yuri Knutov, một nhà sử học quân sự Nga và là giám đốc của Bảo tàng Lực lượng Phòng không (ADF), đã nói trong một chương trình trò chuyện do truyền hình nhà nước tổ chức rằng, đã xuất hiện những lỗ hổng trong hệ thống phòng không của Nga.
Ông cho biết, nguyên nhân chính là vì hầu hết các hệ thống phòng không tầm xa đã tiến gần hơn đến Ukraine, sau khi Chiến dịch Quân sự Đặc biệt của Nga bắt đầu hồi cuối tháng 2, dẫn đến những lỗ hổng mới hình thành trong hệ thống phòng không của Nga ở khu vực biên giới.
Knutov lưu ý là các vệ tinh của Mỹ hoàn toàn có thể “nhìn rõ những khoảng trống này”, trong khi Nga đang còn những hạn chế trong khả năng tương tự, do số lượng và chất lượng vệ tinh kém hơn đối thủ.
Ba cuộc tấn công liên tiếp vào các sân bay Nga
Nhận xét của chuyên gia Knutov được đưa ra sau khi Ukraine bị cáo buộc tiến hành ba cuộc tấn công bằng máy bay không người lái hết sức bất ngờ vào sâu bên trong lãnh thổ Nga, chỉ trong vòng vài ngày.
Ngày 5/12, các máy bay không người lái của Quân đội Ukraine đã tấn công Căn cứ Không quân Chiến lược Engels-2 và Dyagilev, nằm gần thủ đô Moscow của Nga, rất xa biên giới với Ukraine.
Các cuộc tấn công được cho là đã thực hiện bằng cách sử dụng một máy bay không người lái từ thời Liên Xô đã được các chuyên gia Ukraine nâng cấp, có tên là Tu-141 “Strizh”.
Các cuộc tấn công vào các căn cứ không quân chiến lược nằm sâu trong lãnh thổ là một đòn choáng váng đối với Điện Kremlin, vì chúng đánh dấu việc lần đầu tiên Quân đội Ukraine tiến hành các cuộc tấn công tầm xa như vậy vào bên trong lãnh thổ Nga.
Tuy nhiên, người Ukraine không dừng lại ở đó. Ngay ngày hôm sau, họ lại tấn công sân bay quân sự Khalino ở vùng Kursk, nằm cách biên giới Ukraine khoảng 280 km.
Nói về các cuộc tấn công này, ông Knutov cho rằng, các vệ tinh của Mỹ đã cung cấp thông tin tình báo cho Kiev và tạo ra lộ trình cho máy bay không người lái thời Liên Xô của Ukraine vượt qua các hệ thống phòng không của Nga để tiếp cận sân bay, sau đó nó đã bị một tên lửa đất đối không bắn trúng.
Vị chuyên gia Nga cho rằng, UAV bị bắn hạ có thể là tên lửa từ hệ thống pháo-tên lửa phòng không tầm gần/thấp Pantsir-S. Đây là lý do tại sao quả tên lửa chỉ bị bắn hạ ở rất gần sân bay, cách khoảng 10 km, khiến các mảnh vỡ rơi xuống khu vực sân bay.
Ông cho rằng, nếu có các hệ thống phòng không tầm xa hơn như Buk-M3 hoặc S-350 Vityaz bảo vệ các căn cứ không quân này, các máy bay không người lái do lực lượng Ukraine phóng đi sẽ bị bắn hạ ở khoảng cách xa hơn, từ 50 đến 60 km.
Knutov cảnh báo thêm rằng, được khích lệ bởi những cuộc tấn công tầm xa thành công vào bên trong nước Nga, quân đội Ukraine có thể sẽ huy động mọi vũ khí để tấn công vào thủ đô Moscow.
Ukraine được cung cấp thông tin tình báo từ vệ tinh phương Tây
Trong khi những cảnh báo của Knutov về một cuộc tấn công có thể xảy ra của Ukraine vào Moscow chắc chắn là rất đáng chú ý, thì điều quan trọng hơn là cáo buộc của ông về việc các vệ tinh của Mỹ cung cấp thông tin tình báo cho lực lượng của Kiev.
Không có gì bí mật rằng Ukraine đã được hưởng lợi đáng kể từ lượng thông tin tình báo chưa từng có từ các đồng minh NATO, bao gồm cả thông tin thời gian thực về các hoạt động di chuyển của quân đội Nga.
Mặc dù không rõ những thông tin tình báo này có bao gồm hình ảnh có độ phân giải cao từ các vệ tinh quân sự phương Tây hay không, nhưng ngay cả các công ty vệ tinh thương mại phương Tây cũng có thể cung cấp hình ảnh vệ tinh thời gian thực và chất lượng cao.
Thực tế đã cho thấy, các hình ảnh của những công ty vệ tinh thương mại của Mỹ hoàn toàn có thể được sử dụng để thu thập thông tin tình báo quân sự một cách ổn định với độ chính xác cao, giống như trường hợp cuộc tấn công gần đây của Ukraine vào căn cứ không quân Engels-2.
Theo giới chuyên gia quân sự, cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Ukraine vào căn cứ không quân chiến lược Engels-2 đã được thúc đẩy bởi những hình ảnh “rất đáng lo ngại” do vệ tinh thương mại của các hãng vệ tinh tư nhân là Maxar Technologies và Planet Labs cung cấp.
Trước khi vụ tấn công diễn ra, những hình ảnh được công khai trên truyền thông cho thấy hàng chục máy bay ném bom mang tên lửa hành trình tập trung tại căn cứ không quân chiến lược Engels-2, cho thấy một cuộc tấn công quy mô lớn khác sắp xảy ra trên khắp Ukraine.
Các hãng vệ tinh tư nhân Maxar Technologies và Planet Labs cũng thường xuyên cung cấp công khai hình ảnh các căn cứ quân sự ở khắp nơi trên thế giới, kể cả những căn cứ tối mật ở lục địa Trung Quốc.
Điều này cho thấy, dù là trong lĩnh vực quân sự hay dân dụng, năng lực tình báo không gian của Mỹ đã vượt trội so với Nga.
Năng lực trinh sát vệ tinh của Nga còn nhiều hạn chế
Theo thừa nhận của chuyên gia Yuri Knutov, trong lĩnh vực tình báo không gian, Nga không có đủ vệ tinh để cung cấp thông tin tình báo cho một chiến trường rộng lớn như cuộc chiến ở Ukraine.
Trước đây, một chuyên gia về Lực lượng Vũ trang Nga là ông Pavel Luzin đã từng tiết lộ rằng, tất cả khả năng tình báo không gian của đất nước chỉ bao gồm 12 vệ tinh.
Chỉ có hai trong số này, đó là Persona số 2 (Cosmos 2486) và Persona số 3 (Cosmos 2506), là các vệ tinh tình báo quang học di chuyển dọc theo quỹ đạo đồng bộ với mặt trời ở độ cao 700km.
Nga cũng có ba vệ tinh trinh sát quang ảnh Bars-M là Cosmos 2503, Cosmos 2515 và Cosmos 2556, lần lượt được phóng vào các năm 2015, 2016 và 2022. Tuy nhiên, ba vệ tinh này chủ yếu thực hiện các nhiệm vụ lập bản đồ và địa hình.
Ông Luzin lưu ý rằng, quân đội Nga cũng dựa vào 5 vệ tinh hình ảnh quang học dân sự Kanopus-V, dựa trên thiết bị điện tử và phần mềm được sản xuất tại Anh. Tuy nhiên, mỗi vệ tinh chỉ có thể bao phủ cùng một lãnh thổ sau mỗi 15 ngày. Ngoài ra, những vệ tinh có độ phân giải thấp này chỉ tốt cho việc thu thập thông tin tình báo trên các vật thể lớn đứng yên.
Một vệ tinh hình ảnh quang học dân sự khác bao gồm một vệ tinh Resurs-P duy nhất với tốc độ quay lại một địa điểm là từ 3-6 ngày, điều này có thể cho phép quân đội Nga lên kế hoạch cho các cuộc không kích và giám sát thiệt hại đối với các thành phố và thị trấn của Ukraine.
Ngược lại, một nghiên cứu của Nga về chiến dịch quân sự của Mỹ ở Iraq năm 2003 cho thấy, quân đội Mỹ đã sử dụng tới khoảng 30 vệ tinh tình báo, trinh sát và giám sát thuộc nhiều loại khác nhau, bao gồm cả vệ tinh do các đồng minh và công ty tư nhân cung cấp.
Ngoài ra, hiện nay Nga phải đối mặt với những thách thức ghê gớm hơn nhiều ở Ukraine, so với Mỹ phải đối mặt ở Iraq khoảng hai thập kỷ trước. Lực lượng vũ trang Ukraine được huấn luyện và trang bị tốt hơn nhiều so với lực lượng Iraq và môi trường chiến trường ở Iraq ít đô thị hóa và ít dân cư hơn ở Ukraine.
Hơn nữa, các vệ tinh tình báo quang học hiện có của Nga sử dụng công nghệ kém hiện đại, thậm chí không sánh được với chất lượng của các thiết bị của Mỹ ra đời từ đầu những năm 2000.