Hệ thống tên lửa phòng không Buk. Ảnh: Army Recognition.
Hệ thống phòng không Buk là hệ thống tên lửa phòng không thời Xô viết, về sau được Nga (kế thừa Liên Xô) phát triển thêm. Hệ thống này có khả năng đánh bại các máy bay cánh cố định và trực thăng cơ động bay ở độ cao lớn hoặc nhỏ kể cả khi đối phương sử dụng các biện pháp chế áp điện tử (như gây nhiễu…).
Theo các báo cáo của Viện RUSI (một cơ sở nghiên cứu về quốc phòng an ninh của Anh), sức mạnh của hệ thống vũ khí cũ này rất nổi bật ở Ukraine khi quân đội Ukraine vận dụng Buk để đối phó với máy bay chiến đấu của Nga.
Nhóm các nghiên cứu viên Justin Bronk, Nick Reynolds và Jack Watling thuộc Viện RUSI (có trụ sở ở London) đã phỏng vấn giới chức Ukraine về việc sử dụng loại vũ khí này.
Bộ ba nói trên đã khảo sát hệ thống phòng không mặt đất và radar của Ukraine lúc đầu bị phía Nga dễ dàng vô hiệu hóa nhưng về sau lại hạn chế được ưu thế trên không của Không quân Nga (VKS).
Giai đoạn đầu
Khoảng 12 tiếng đồng hồ sau khi Nga phát động không kích, Bộ Quốc phòng Nga khẳng định họ đã loại bỏ được 74 cơ sở quân sự trên mặt đất của Ukraine, trong đó có 18 trạm radar mặt đất dùng cho hệ thống phòng không.
Lúc đó, các máy bay cường kích Su-24 của Nga đã nắm rõ vị trí hàng trăm hệ thống radar cố định của các tổ hợp tên lửa S-300 thuộc quân đội Ukraine.
Ở giai đoạn đầu xung đột Ukraine - Nga , các máy bay cường kích Su-34 đã gây hư hại cho 100 radar Ukraine. Khi đó cường kích Nga bay riêng rẽ ở độ cao 3,6km, khiến các trắc thủ của hệ thống S-300 không được cảnh báo sớm để có thể ứng phó kịp thời.
Ukraine sau đó tìm cách tranh thủ thời gian để sửa chữa và tái bố trí các radar tầm xa, khôi phục lại trạng thái hoạt động của các tổ hợp S-300.
Báo cáo của RUSI tuyên bố trong tuần đầu tiên của tháng 3, các hệ thống tên lửa đất đối không (SAM) của Ukraine bắt đầu làm giảm hiệu quả các đợt không kích bằng máy bay của Nga.
Tuy nhiên, vào thời điểm này, lực lượng lục quân của Nga gặp phải một số khó khăn nhất định, nhất là trong nỗ lực chiếm thủ đô Kiev. Theo nhóm nghiên cứu RUSI, phía không quân Nga đã có một điều chỉnh lớn về chiến lược, theo hướng chuyển từ tấn công trấn áp hệ thống phòng không Ukraine sang yểm trợ cho lực lượng trên bộ. Và khi chuyển hướng nhiệm vụ như vậy, máy bay Nga gặp trở ngại mới từ chính hệ thống Buk có từ thời Liên Xô.
Chiến thuật dùng Buk của Ukraine
Thách thức chính đối với phi công Nga là vấn đề độ cao. Do nhiều hệ thống S-300 của Ukraine chĩa vào các máy bay Nga tác chiến nên các phi công Nga không thể bay ở độ cao lớn được. Nhưng nếu bay ở độ cao nhỏ, họ lại dễ vấp phải các tên lửa phòng không vác vai (MANPAD).
Như vậy chỉ còn độ cao tầm trung. Đối với độ cao này, Ukraine quyết định sử dụng tên lửa Buk. Ukraine bố trí mở rộng tên lửa Buk ra khắp chiến trường, gây khó khăn thêm cho các phi công Nga.
Quân đội Ukraine áp dụng một mẹo, đó là bật radar đủ lâu để phóng tên lửa vào máy bay Nga rồi lập tức tắt radar và cuộn hệ thống vào rừng để ẩn nấp.
Theo nghiên cứu của RUSI, nhiều phi công Nga khi vào không phận Ukraine đã phải bỏ độ cao lớn và trung bình để mạo hiểm ở độ cao thấp nhằm tránh radar của các hệ thống S-300 và Buk.
Ngoài kho Buk vốn có, Ukraine còn nhận thêm được một số tổ hợp Buk-M1 do Phần Lan cung cấp. Ukraine dự trữ số vũ khí này một thời gian và nay có thể đem chúng ra sử dụng. Hồi tháng 9, Ukraine mất 6 xe chở bệ phóng Buk-M1.
Ukraine hiện chỉ còn khoảng 100 hệ thống Buk từ thời Liên Xô. Theo Forbes, Ukraine đã cải tiến số vũ khí này, thiết kế thêm cho các trắc thủ các máy tính bảng có bản đồ số về vị trí lực lượng Nga giúp họ sử dụng hệ thống chính xác hơn.
Từ đầu xung đột , Ukraine sở hữu 72 hệ thống tên lửa tầm trung 9K37M Buk-M1 có khả năng đối phó với UAV, bom thông minh, tên lửa dò bức xạ, tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình.
Sau khi Nga mở đợt không kích thứ 2 (vào tháng 10), Ukraine đã tập trung củng cố hệ thống phòng không của mình.