Cựu Tổng thống Gruzia được giải cứu sau màn rượt đuổi trên mái nhà ở Ukraine Xe tăng Pakistan bị "vô hiệu hóa" bởi Ukraine Ukraine khoe radar phát hiện được siêu máy cả Nga lẫn Mỹ
Theo đó, Tổng thống Poroshenko cho rằng hiện tại nước này đã kiên quyết đi theo con đường hội nhập NATO và chắc chắn rằng trưng cầu dân ý sẽ diễn ra trong tương lai rất gần. Ông đồng thời tin tưởng rằng người dân Ukraine sẽ ủng hộ sáng kiến này cũng như việc gia nhập EU.
"Chúng tôi kiên quyết duy trì quá trình hội nhập châu Âu - Đại Tây Dương, và thậm chí không nghi ngờ rằng trong tương lai gần Ukraine sẽ trưng cầu dân ý về gia nhập NATO và EU", ông Poroshenko nói khi chúc mừng các công dân nhân dịp kỷ niệm tròn 26 năm cuộc trưng cầu về độc lập của Ukraine.
Tổng thống Poroshenko trước đây đã cho biết ông quyết sẽ gia nhập NATO, và Quốc hội thậm chí tuyên bố đó là một trong những mục tiêu của chính sách đối ngoại. Phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm Ngày Quốc kỳ Ukraine vào tháng 8, Tổng thống Poroshenko cho biết Kiev sẽ kiên trì cho tới ngày trở thành thành viên EU và NATO.
Theo ông Poroshenko, Ukraine đã tiến hành các cuộc cải cách cần thiết và hơn 2 tháng trước đã đạt được quy chế miễn thị thực với EU; ngoài ra, Hiệp định liên kết Ukraine - EU đã có hiệu lực đầy đủ vào ngày 1-9.
Ukraine từ bỏ quy chế quốc gia trung lập vào tháng 12-2014 sau những biến động chính trị trong nước và xung đột với Liên bang Nga. Tổng thống Poroshenko tuyên bố gia nhập NATO là mục tiêu chiến lược của đất nước và nhấn mạnh đến năm 2020 Ukraine sẽ đưa quân đội của mình đáp ứng được tất cả các tiêu chí của quân đội NATO. Quốc hội Ukraine cũng tuyên bố gia nhập NATO là một trong những mục tiêu đối ngoại của đất nước.
Tháng 12-2016, Ukraine đã được nhận quy chế liên kết với EU, song quy chế này không kèm theo quyền gia nhập EU, đảm bảo an ninh và hỗ trợ quân sự trực tiếp, công dân Ukraine cũng không có quyền sống và làm việc ở EU.
Ngày 11-7 vừa qua, Hội đồng châu Âu đã thông qua Hiệp định liên kết EU - Ukraine vốn được ký kết năm 2014 nhằm thiết lập quan hệ liên kết chính trị và kinh tế giữa liên minh này với Ukraine.
Tuy nhiên, theo Hiệp định, Ukraine phải thông qua hàng loạt chương trình cải cách, trong đó có đấu tranh chống tham nhũng, quản lý tài chính công, phân quyền và lĩnh vực năng lượng. EU và Ukraine ký Hiệp định liên kết cuối năm 2014, đúng thời điểm quan hệ EU-Nga rơi xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ.
Một cuộc thăm dò dư luận công bố ngày 22-8 vừa qua cho thấy, số lượng người Ukraine ủng hộ gia nhập NATO năm 2017 đã tăng lên 40%, cao hơn nhiều so với mức 14% năm 2013. Trong khi đó, số người ủng hộ Ukraine hội nhập với châu Âu năm 2017 cũng tăng lên 54%, so với mức 42% năm 2013. Phần lớn người dân Ukraine tại các khu vực miền Tây và miền Trung ủng hộ Ukraine trở thành thành viên NATO và EU.
Tháng 12-2014, Quốc hội Ukraine đã sửa đổi 2 luật cho phép nước này từ bỏ quy chế không liên kết và có kế hoạch trở thành thành viên của NATO. Tháng 6-2017, Cơ quan lập pháp Ukraine tiếp tục thông qua một số dự thảo sửa đổi của Tổng thống Poroshenko quy định về việc xin gia nhập NATO là ưu tiên đối ngoại của đất nước này.
Tuy nhiên, cựu Tổng Thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen từng tuyên bố để gia nhập NATO, Ukraine buộc phải đạt được một loạt tiêu chí và việc thực hiện những tiêu chí này mất nhiều thời gian. Do đó, giới phân tích cho rằng Kiev khó có thể trở thành thành viên NATO trong vòng 20 năm tới.