Ảnh chụp một số vi mạch mà tình báo Ukraine cho biết họ tìm thấy trong hệ thống Barnaul-T. Ảnh: Tình báo Ukraine.
Cụ thể, ít nhất 8 vi mạch Mỹ đã được tìm thấy bên trong hệ thống phòng không Barnaul-T của Nga . Số chip này được cho là sản xuất bởi các công ty công nghệ Mỹ như Intel, Micrel, Micron Technology và Atmel Corp.
Trong hệ thống phòng không Pantsir, quân đội Ukraine cho biết đã tìm thấy ít nhất 5 vi mạch Mỹ từ các nhà sản xuất AMD, Rochester Electronics, Texas Instruments và Linear Technology.
Khi phân tích tên lửa hành trình Kh-101, Ukraine tìm ra ít nhất 35 chip có nguồn gốc từ Mỹ. Còn khi “mổ xẻ” hệ thống điện quang của trực thăng “Cá sấu” Ka-52, ít nhất 22 vi mạch do các công ty Texas Instruments, Altera USA và Micron Technology đã được tìm thấy.
Theo The Defence Post, việc phát hiện vi mạch Mỹ trong vũ khí Nga đã mang lại cái nhìn chi tiết hơn về nguồn nhập khẩu các bộ phận vũ khí của Mátxcơva. Nhà phân tích Skip Parish đánh giá rằng việc này cho thấy sự phụ thuộc vào công nghệ phương Tây của Nga.
Hầu hết các công ty sản xuất vi mạch được đề cập đến trong bài viết đều nói rằng họ không còn hợp tác kinh doanh với Mátxcơva, trong khi những công ty khác bác bỏ thông tin của tình báo Ukraine.
Nguồn gốc của các vi mạch được tìm thấy trong các vũ khí Nga hiện chưa được xác định. Nhưng những con chip này không nhất thiết phải có nguồn gốc trực tiếp từ các nhà sản xuất. Ngoài ra, còn có một thị trường rộng lớn (và phần lớn không được kiểm soát) đối với chip tái chế, chủ yếu đến từ Trung Quốc.
Ngoài vi mạch, có thông tin cho rằng Nga đang sử dụng vũ khí của Pháp, Đức, và một số quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) khác trong chiến dịch ở Ukraine .
Ít nhất 10 quốc gia EU được cho là đã cung cấp số thiết bị quân sự trị giá 346 triệu Euro cho Mátxcơva bất chấp lệnh cấm vận chuyển động cơ và vũ khí (được ban hành sau khi Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014).
Theo The Defence Post, The War Zone