Ukraine nỗ lực phát triển công nghệ đối phó “sát thủ bầu trời” của Nga

Mai Trang |

VOV.VN - Nga và Ukraine đang nỗ lực giành ưu thế trong cuộc chiến công nghệ không người lái. Các thiết kế UAV thay đổi mỗi ngày và mỗi bên đều cố gắng phát triển những công nghệ mới để chống lại phương tiện không người lái của đối phương.

Chiến thuật chống UAV của Nga và Ukraine

Oleg Vornik, Giám đốc điều hành công ty DroneShield, cho rằng, Nga và Ukraine có “sự tập trung rõ ràng” vào thiết bị chống máy bay không người lái.

“Chúng tôi nhận thấy rằng chỉ tập trung vào bắn hạ máy bay không người lái không phải là một chiến lược hiệu quả. Cần sử dụng các thiết bị chuyên dụng cần thiết để phát hiện và phá hủy UAV”, ông Vornik cho hay.

Ukraine nỗ lực phát triển công nghệ đối phó “sát thủ bầu trời” của Nga - Ảnh 1.

Binh sĩ Ukraine thử nghiệm máy bay không người lái gắn bom. Ảnh: Getty Images

“Các bên đều nhận thấy tầm quan trọng của việc phải tăng cường khả năng phòng không của mình do những mối đe dọa mà UAV có thể gây ra, như tình hình hiện nay ở Ukraine”, chuyên gia Arun Arumugam tại Advanced Protection Systems (APS) có trụ sở tại Ba Lan cho biết.

Theo ông Arumugam, cuộc xung đột Nga – Ukraine đã thực sự mở rộng tầm quan trọng của UAV và phương pháp phát hiện chúng. “Giờ đây, mọi người đánh giá cao việc sở hữu UAV và có thể dễ dàng biến nó thành một mối đe dọa”.

Chuyên gia về máy bay không người lái có trụ sở tại Anh, Steve Wright, nói rằng “chưa có câu trả lời chính xác nhất và có lẽ sẽ không bao giờ có” về cách hạ gục máy bay không người lái đang lao tới. “Mỗi bên sẽ có cách ứng phó với mỗi tình huống khác nhau”.

Ukraine đã chứng minh rằng họ có thể sử dụng súng và pháo binh để đối phó với UAV. Kiev đã sử dụng pháo phòng không tự hành Gepard và pháo cỡ nòng lớn do Đức cung cấp để chống lại các UAV có tầm bay thấp và tốc độ chậm. Ngoài ra, hệ thống phòng không được trang bị tên lửa có thể đối phó với các mối đe dọa từ đối phương, trong đó có UAV.

Tuy nhiên, việc phóng tên lửa từ các hệ thống phòng không đắt tiền để loại bỏ các UAV giá rẻ sẽ gây áp lực về mặt kinh tế trong bối cảnh Nga và Ukraine liên tục tiến hành các cuộc tấn công.

“Các cuộc tấn công bằng UAV tầm xa mới Beaver là một ví dụ về điều này. Ukraine đã liên tục nhắm mục tiêu vào lãnh thổ Nga bằng loại UAV này. Các UAV rõ ràng sẽ không thể đẩy lùi hoàn toàn lực lượng Nga, nhưng chúng có thể sẽ khiến Nga phải sử dụng nhiều tên lửa đắt tiền để đối phó”, ông Wright nói.

Do đó, công nghệ chống máy bay không người lái đóng một vai trò quan trọng song dường như vẫn bị đánh giá chưa đúng tầm trong nỗ lực chiến đấu trong xung đột ở Ukraine. Ông Vornik cho biết, cũng giống như máy bay không người lái, thiết bị chống máy bay không người lái cần có giá cả phải chăng, nhưng cũng cần phải có hiệu quả, có thể triển khai nhanh chóng và trên diện rộng.

Cả Nga và Ukraine đều phải củng cố công nghệ chống UAV của đối phương. Theo Newsweek, Ukraine đã được hỗ trợ công nghệ này trong các gói viện trợ quân sự từ Mỹ kể từ đầu cuộc xung đột.

Trong số hơn 43,9 tỷ USD hỗ trợ an ninh kể từ tháng 2/2022, Mỹ đã gửi một số hệ thống VAMPIRE C-UAS, hệ thống C-UAS di động, súng C-UAS và các thiết bị C-UAS khác. C-UAS là hệ thống có thể phát hiện, xác định, theo dõi và phá vỡ các hệ thống máy bay không người lái.

Công nghệ chống máy bay không người lái rất đa dạng, có thể là súng phòng không, cũng có thể là UAV đánh chặn các phương tiện không người lái khi chúng lao về phía mục tiêu và đảm bảo rằng phát hiện máy bay không người lái kịp thời.

Ukraine nỗ lực phát triển công nghệ đối phó “sát thủ bầu trời” của Nga - Ảnh 2.

Cách Ukraine chống lại UAV Nga

Nga liên tục tuyên bố các hệ thống tác chiến điện tử của họ đã tiêu diệt các máy bay không người lái của Ukraine. Theo chuyên gia Maciej Klemm tại Advanced Protection Systems, với hàng nghìn máy bay không người lái trên bầu trời Ukraine mỗi tháng, hầu hết các UAV do cả hai bên vận hành sẽ bị hạ gục bởi hệ thống tác chiến điện tử.

APS, có các hệ thống như hệ thống điều khiển máy bay không người lái SKY hiện đang hoạt động ở Ukraine, đặc biệt tập trung vào việc xác định các mục tiêu trên không ở tầm thấp, tốc độ chậm và kích thước nhỏ. Chuyên gia Arumugam cho biết, công nghệ này giúp người vận hành UAV nhanh chóng xác định mục tiêu có phải là mối đe dọa hay không.

Nga sở hữu nhiều loại UAV, trong đó có những loại UAV khét tiếng như UAV Shahed-131 và Shahed-136 do Iran thiết kế. Quân đội Nga thường sử dụng những UAV này trong các cuộc tấn công vào ban đêm. Trong khi đó, các lực lượng Ukraine đáp trả UAV bằng súng cỡ nòng lớn.

“Khi bạn nhìn thấy UAV, bạn có thể nhắm mục tiêu vào chúng. Nhưng nếu bạn không nhìn thấy mục tiêu, bạn sẽ không thể bắn trúng. Và hầu như chúng ta sẽ không nhìn thấy UAV trước khi chúng nhắm mục tiêu”, Uzi Rubin, chuyên gia tại Viện Chiến lược và An ninh Jerusalem và Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Begin Sadat, cho hay.

Tuy nhiên, theo chuyên gia Klemm, đó chưa phải là những hệ thống chống máy bay không người lái khó phát hiện nhất. Ông Klemm cho rằng, chính những chiếc máy bay không người lái được trang bị chất nổ cải tiến sẽ đặt ra thách thức lớn nhất.

Ông Wright cho biết thêm, đây là loại máy bay không người lái dễ bị ảnh hưởng nhất bởi các xung điện từ. Loại vũ khí phi sát thương này sử dụng luồng sóng vô tuyến rất mạnh để gây nhiễu hệ thống liên lạc hoặc thiết bị điện tử trên máy bay. “Những điều này dựa trên thực tế là hầu hết các máy bay không người lái hiện chỉ sử dụng thiết bị điện tử với rất ít sự bảo vệ bổ sung”.

Giống như quá trình phát triển máy bay không người lái đang phát triển mỗi ngày, các hệ thống chống UAV cũng được tạo ra để đẩy lùi máy bay khỏi bầu trời. Ukraine có thể đang xây dựng đội quân máy bay không người lái nhưng nước này cũng đang tập trung đến công nghệ được thiết kế để đánh bại UAV của Nga.

“Tóm lại, cuộc chiến UAV giữa Nga và Ukraine chỉ mới bắt đầu”, ông Wright nói.

Ukraine nỗ lực phát triển công nghệ đối phó “sát thủ bầu trời” của Nga - Ảnh 3.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại