Đức là quốc gia thứ hai gửi hệ thống phòng không MIM-104 Patriot tới Ukraine. Điều này đã được công bố tại cuộc họp báo chung giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Đức Olaf Scholz. Ông Scholz nhấn mạnh: “Đức sẽ cùng với Hoa Kỳ cung cấp thêm một tổ hợp phòng không Patriot cho Ukraine”.
Thông tin này xuất hiện vào thời điểm Đức bị cáo buộc không muốn gửi xe tăng Leopard 2 tới Ukraine. Bất chấp những lời chỉ trích, Berlin vẫn là một trong những nhà cung cấp viện trợ quân sự lớn nhất cho Quân đội Ukraine.
Những khẩu pháo tự hành PzH 2000, pháo cao xạ di động Gepard 1A2, hệ thống phòng không tầm trung IRIS-T cùng với đạn dược các loại đã được chuyển từ Đức đến Ukraine trong suốt thời gian qua.
Vào cuối năm ngoái, sau khi Tổng thống Joe Biden công bố kế hoạch cung cấp gói viện trợ mới cho Ukraine bao gồm hệ thống phòng không Patriot, chính phủ Liên bang Đức đã thảo luận về khả năng chuyển giao vũ khí tương tự cho Ukraine và đã xin phép Washington.
Cần lưu ý, Ba Lan là quốc gia đầu tiên kêu gọi Đức tặng Patriot cho Ukraine. Nhưng sau đó Berlin phản bác bằng cách nói rằng tổ hợp này cần phải bảo vệ biên giới NATO. Vì vậy thay vì giao cho Ukraine, Đức quyết định gửi Patriot đến Ba Lan.
Hành động trên được đưa ra sau khi 2 tên lửa từ hệ thống phòng không S-300 của Ukraine không đánh chặn được phương tiện tấn công đường không của Nga và rơi xuống lãnh thổ Ba Lan, khiến 2 dân thường thiệt mạng.
Tên lửa đánh chặn của hệ thống phòng không Patriot rời bệ phóng.
MIM-104 Patriot là hệ thống phòng không của Mỹ do Raytheon phát triển, nó được triển khai tại các quốc gia đối tác của Hoa Kỳ trên tất cả các châu lục.
Không có thông tin về phiên bản Patriot mà Đức sẽ cung cấp cho Ukraine. Berlin đang vận hành tổng cộng 30 hệ thống Patriot, chúng được đặt tại nhiều căn cứ khác nhau của Không quân Đức, chủ yếu tại Sanitz, Bad Sülze, Husum và Todendorf.
Thực tế ít được biết đến là một phần hệ thống phòng không Patriot của Đức chịu trách nhiệm trong việc bảo vệ Hà Lan, khi hai nước đã ký hiệp định hợp tác vào năm 2016. Dựa trên thỏa thuận này, Đức cam kết tích hợp các hệ thống Patriot của mình với các mạng lưới phòng không của Hà Lan.
Hiện tại, Đức vẫn chưa công bố khẩu đội Patriot sẽ được rút ra từ đơn vị nào trong tổng số 4 đơn vị tên lửa phòng không của nước này để sau đó triển khai tới Ukraine.
Patriot có một số biến thể bao gồm ASOJ/SOJC, PAC-2, PAC-2 GEM, GEM/C, GEM/T (hoặc GEM+), PAC-3, PAC-3 MSE, PAAC-4 (SkyCeptor), chúng có trọng lượng, tầm bắn, đầu đạn, công nghệ áp dụng rất khác nhau nhằm phục vụ cho từng mục tiêu tác chiến cụ thể.
Hệ thống Patriot thứ hai ở Ukraine sẽ giúp Kyiv tăng cường các biện pháp đối phó với những cuộc tấn công đường không bằng tên lửa của Nga. Patriot được thiết kế để tấn công máy bay và tên lửa hành trình cũng như đạn đạo. Hiện chưa có thông tin về nơi Ukraine sẽ triển khai tổ hợp Patriot do Đức viện trợ.
Dự kiến sẽ mất 7 tháng để Patriot sẵn sàng hoạt động. Một số chuyên gia cho rằng thời hạn này có thể được kéo dài đến giữa năm 2023. Các chuyên gia nhấn mạnh vào thời gian giao hàng, triển khai và huấn luyện đối với binh lính Ukraine. Patriot là một hệ thống khác về cơ bản so với những tổ hợp S-300 từ thời Liên Xô mà Ukraine đang vận hành.
Ngoài tên lửa phòng không Patriot, Đức đã tuyên bố viện trợ thêm cho Ukraine 40 xe chiến đấu bộ binh Marder để phối hợp cùng 50 chiếc M2 Bradley được Mỹ cung cấp. Đây rõ ràng là tin xấu đối với Nga bởi lực lượng thiết giáp như trên tạo ra sức mạnh rất lớn trên chiến trường.