"Đưa ra lời mời Ukraine vào thời điểm này là một tín hiệu chính trị", Đại sứ Ukraine tại NATO Natalia Galibarenko nói với Reuters .
"Chúng tôi thực sự tin rằng đây có thể là một phần di sản của (chính quyền) Mỹ hiện tại", bà Natalia Galibarenko nói trong cuộc trả lời phỏng vấn ở phái bộ Ukraine tại NATO.
Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào đầu tháng tới có thể dẫn đến xáo trộn lớn cho Ukraine, khi Washington là bên cung cấp viện trợ quân sự lớn nhất cho Kiev trong cuộc xung đột với Nga.
Dù Phó Tổng thống Kamala Harris cho biết sẽ tiếp tục ủng hộ Ukraine, nhưng bà vẫn chưa nói sẽ ủng hộ như thế nào. Còn cựu Tổng thống Donald Trump của đảng Cộng hòa cũng chưa nói rõ ông sẽ ứng xử với cuộc xung đột ra sao.
Gia nhập NATO sẽ đưa Ukraine trở thành một phần hiệp ước phòng thủ chung của liên minh quân sự do Mỹ đứng đầu. Điều này nghĩa là tấn công vào một thành viên NATO sẽ bị coi là tấn công vào tập thể, dù quá trình Ukraine gia nhập có thể mất nhiều năm để đáp ứng được các tiêu chuẩn của NATO.
Trong những tuần gần đây, Tổng thống Ukraine Volodymir Zelensky nói rõ rằng ông coi lời mời sớm của NATO là một phần trong " kế hoạch chiến thắng " của mình.
Trong cuộc phỏng vấn, Đại sứ Galibarenko lập luận rằng, lời mời sẽ xóa bỏ vấn đề gây mâu thuẫn lớn giữa Kiev và Mátxcơva. Nỗ lực của Ukraine để gia nhập NATO là một lý do khiến Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt, còn Kiev cho rằng họ phải gia nhập liên minh này để đối phó với bất kỳ hành động nào của Nga trong tương lai.
"Nếu đã có lời mời, đối với Nga điều đó sẽ giống như phán quyết cuối cùng. Vậy là không còn rủi ro từ chủ đề này nữa”, bà Galibarenko nói trong cuộc phỏng vấn ngày 15/10.
NATO khẳng định Ukraine sẽ gia nhập hàng ngũ của mình và con đường này không thể đảo ngược. Tuy nhiên, liên minh này cũng nói rằng Kiev không thể tham gia khi đang có xung đột và từ chối đưa ra mốc thời gian sẽ kết nạp.
Hầu hết các thành viên NATO, bao gồm Mỹ, đều tỏ ra không sẵn sàng mời Ukraine gia nhập vào thời điểm này. Tuần trước, một quan chức giấu tên của Chính phủ Mỹ nói với phóng viên là chưa có sự thay đổi nào trong lập trường của Washington.
Đại sứ Galibarenko cho biết, Kiev không yêu cầu khởi động ngay lập tức quy trình đàm phán, nhưng việc gửi lời mời chính thức vào lúc này sẽ gửi đi thông điệp mạnh mẽ. Khi được hỏi khi nào Ukraine muốn lời mời được đưa ra, bà nói: "Càng sớm càng tốt".