Hãng tin Reuters (Anh) nhận định, quá trình kéo dài từ việc mua máy bay tới việc đào tạo phi công lái F-16 đã khiến Kiev thất vọng. Đồng thời, quá trình này giúp Nga có thời gian chuẩn bị phòng thủ để cố gắng vô hiệu hóa tác động từ F-16.
Căn cứ không quân Ukraine thường xuyên bị tấn công
Reuters đưa tin, vào ngày 27/6, khu vực Starokostiantyniv, Ukraine xuất hiện những tiếng nổ vang vọng ngay trước bình minh, khi lực lượng phòng không Ukraine đẩy lùi các cuộc tấn công của Nga vào thành phố nhỏ ở phía Tây Ukraine - nơi có một căn cứ không quân quan trọng và là mục tiêu thường xuyên của các cuộc không kích từ Nga.
Vài giờ sau vụ tấn công, những con phố ở Starokostiantyniv đã trở lại trạng thái bình thường. Tuy nhiên vụ tấn công ngày 27/6 là lời nhắc nhở nghiêm khắc về những thách thức mà Kiev phải đối mặt khi xây dựng lại lực lượng không quân đang suy yếu và triển khai những chiếc F-16 đầu tiên do Mỹ thiết kế - loại máy bay chiến đấu mà Nga quyết tâm phá hủy.
Những chiếc máy bay F-16 (còn được gọi là "rắn hổ lục") đầu tiên dự kiến sẽ đến vào tháng này và Ukraine hy vọng chúng sẽ hỗ trợ cho lực lượng đang phải vật lộn để đẩy lùi cuộc tấn công của Nga dọc theo tiền tuyến, bao gồm cả bom lượn mà F-16 có khả năng phá hủy.
Các quan chức chưa tiết lộ nơi các máy bay F-16 sẽ đồn trú, nhưng sau cuộc tấn công Starokostiantyniv hôm 27/6, Moscow cho biết họ đã nhắm mục tiêu vào các sân bay mà họ tin là nơi có thể chứa các máy bay này.
Căn cứ không quân này đã bị tấn công thường xuyên kể từ những ngày đầu tiên của chiến dịch quân sự Nga ở Ukraine vào tháng 2/2022, bao gồm cả từ máy bay không người lái và tên lửa siêu thanh.
Người phát ngôn của lực lượng không quân Ukraine cho biết các cuộc không kích gây ra "một số khó khăn nhất định", nhưng sẽ không làm ảnh hướng tới việc cung cấp máy bay F-16 hoặc việc sử dụng chúng trong chiến đấu.
Hôm 2/7, Bộ Quốc phòng Nga cho hay, họ đã phá hủy 5 máy bay chiến đấu Su-27 của Ukraine tại sân bay Myrhorod ở vùng Poltava. Ukraine phủ nhận tuyên bố này.
F-16 không thể là nhân tố thay đổi cuộc chơi
Các nhà phân tích quân sự nhận định, Nga có thể nhắm vào cơ sở hạ tầng căn cứ không quân như đường băng và cơ sở lưu trữ để khiến việc đưa máy bay F-16 cất cánh trở nên khó khăn hơn.
Chuyên gia Justin Bronk thuộc Viện Nghiên cứu Quân chủng Thống nhất Hoàng gia Anh (RUSI) cho biết, quân đội Ukraine - vốn đang thiếu đạn dược phòng không - cũng có khả năng sẽ buộc phải di chuyển những chiếc máy bay quý giá này ra khỏi các sân bay.
Hãng thông tấn AP dẫn lời một sĩ quan quân đội cấp cao của Ukraine cho hay hôm 10/6 rằng Ukraine có thể sẽ phải để một số máy bay chiến đấu F-16 tại các căn cứ nước ngoài.
Hôm 10/6, người đứng đầu Ủy ban Quốc phòng tại Duma Quốc gia Nga Andrei Kartapolov trả lời hãng thông tấn RIA Novasti (Nga) rằng các căn cứ của NATO có máy bay F-16 của Ukraine sẽ là "mục tiêu hợp pháp" của Moscow nếu các máy bay được sử dụng để tấn công Nga.
Fores - một công ty Nga sản xuất thiết bị khoan dầu tuyên bố, họ sẽ trả 15 triệu rúp (gần 4,5 tỷ VNĐ) cho phi công Nga đầu tiên bắn hạ được F-16.
Trung tướng Ihor Romanenko, cựu phó tổng tham mưu trưởng quân đội Ukraine, nói với Al Jazeera: "F-16 sẽ bị Nga truy đuổi. Nhưng chúng tôi sẽ che giấu, trang bị và sử dụng chúng".
Được sản xuất bởi Lockheed Martin, F-16 là một trong những máy bay chiến đấu được sử dụng rộng rãi nhất trên thế giới và được hơn hai chục quốc gia trên thế giới sở hữu. Các nhà quan sát đánh giá rằng, F-16 khó có thể trở thành yếu tố thay đổi cuộc chơi trong chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine.