Ukraine lo ngại phương Tây sẽ thất vọng về kết quả phản công Nga

Kiều Anh |

Ukraine đang cảm nhận rõ sức ép gia tăng từ các nước phương Tây khi Mỹ và đồng minh coi cuộc phản công này là một phép thử quan trọng xem liệu các vũ khí, đạn dược và các khóa huấn luyện mà họ hỗ trợ cho Ukraine thời gian qua có thể chuyển thành những thành quả đáng kể hay không.

Mối lo ngại của Ukraine

Nếu Ukraine không thể đáp ứng kỳ vọng, sự hỗ trợ của phương Tây cho nước này có nguy cơ suy giảm. Hơn ai hết, Kiev cảm nhận rõ, những nỗ lực của nước này trong cuộc xung đột hiện nay đang đứng trước đồng hồ đếm ngược.

Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov đã nhận định trong một cuộc trả lời phỏng vấn vào tuần trước rằng: "Những mong đợi vào cuộc phản công của chúng tôi đang được đánh giá quá cao trên thế giới. Hầu hết mọi người đều chờ đợi điều gì đó to lớn". Ông lo sợ điều đó có thể dẫn đến "cảm giác thất vọng".

Ukraine lo ngại phương Tây sẽ thất vọng về kết quả phản công Nga - Ảnh 1.

Quân đội Ukraine tại Zaporizhzhia vào tháng 4/2023. Ảnh: New York Times

Cuộc phản công được lên kế hoạch với sự hỗ trợ vũ khí và huấn luyện từ phương Tây có thể đánh dấu giai đoạn quan trọng nhất của cuộc xung đột khi Ukraine tìm cách giành lại lãnh thổ và chứng minh sự hỗ trợ của phương Tây là không vô ích.

Các cuộc tấn công đặc biệt cần lợi thế vượt trội và với việc Nga tăng cường các phòng tuyến dọc hơn 1.000 km tiền tuyến, giới quan sát đánh giá khó có thể nhận định Ukraine sẽ tiến được bao xa.

Nỗ lực tăng cường lực lượng trước thềm cuộc phản công - đến nay vẫn được giữ bí mật, đã khiến các quan chức Ukraine đau đầu trước câu hỏi khó: Kết quả của nó liệu có đủ để gây ấn tượng với phương Tây, đặc biệt là Mỹ?

Một số quan chức Ukraine lo ngại nếu nước này không thành công như kỳ vọng, Kiev sẽ mất đi sự hỗ trợ quân sự từ phương Tây và đối mặt với sức ép phải "chiến đấu" với Moscow trên bàn đàm phán chứ không phải trên chiến trường. Những cuộc trao đổi như vậy gần như chắc chắn sẽ liên quan đến các yêu cầu của Nga về việc Ukraine phải nhượng bộ chủ quyền lãnh thổ - điều mà Kiev gọi là "không thể chấp nhận được".

"Tôi tin rằng chúng tôi càng đạt được nhiều chiến thắng trên chiến trường thì càng nhiều người tin tưởng vào chúng tôi, tức là chúng tôi sẽ nhận được nhiều sự hỗ trợ hơn", Tổng thống Volodymyr Zelensky cho hay trong một cuộc trả lời phỏng vấn với Washington Post.

Kiev muốn đạt được đột phá nhanh chóng trong cuộc xung đột kéo dài thời gian qua ở phía Đông và phía Nam Ukraine, song các chuyên gia nhận định, việc đẩy Nga khỏi các vị trí hiện nay là điều khó khăn, nếu không muốn nói là bất khả thi.

Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine cho biết, các đối tác phương Tây đã nói với ông rằng họ cần một thành công để chứng minh trước công chúng.

"Nhưng tôi không thể nói mức độ thành công là gì. 10km, 30km, 100km hay 200km?", ông Reznikov đặt câu hỏi.

Hiện nay, Nga có lợi thế về địa hình và lực lượng mạnh hơn. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Reznikov, hiện có khoảng 500.000 binh lính Nga trong cuộc xung đột ở Ukraine với ít nhất 300.000 binh lính bên trong lãnh thổ nước này.

Các lựa chọn phản công

Một mục tiêu của Ukraine là phá vỡ hành lang trên đất liền nối lục địa Nga với Crimea, chia cắt tuyến tiếp tế quan trọng cho quân đội Nga ở Zaporizhzhia và cô lập các căn cứ của Nga trên bán đảo này.

Một mục tiêu cấp bách nữa của Ukraine là giành lại các cơ sở hạ tầng thiết yếu có giá trị cao, trong đó có nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia - nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu nằm ở thành phố Enerhodar do Nga kiểm soát và nhà máy thủy điện Kakhovka ở khu vực Kherson.

Nhận ra những trở lại to lớn đang phải đối mặt, các quan chức Ukraine tiếp tục tăng cường kêu gọi sự hỗ trợ từ phương Tây.

Ukraine sẽ tiến hành cuộc tấn công "ngay khi những vũ khí mà các đối tác của chúng tôi cam kết hỗ trợ được lấp đầy", ông Zelensky nói. Thời điểm đó có thể phụ thuộc vào thời tiết, bởi vì mặt đất ẩm ướt không phù hợp để các phương tiện di chuyển trên tiền tuyến.

Ông Reznikov cho biết, đội hình tấn công đầu tiên của Ukraine đã chuẩn bị được hơn 90% và một số đội quân đang hoàn tất các chương trình huấn luyện ở nước ngoài.

Tiền tuyến trải dài có thể tạo ra vô số điểm tấn công tiềm ẩn. Ukraine có thể tập trung lực lượng ở phía Nam và nỗ lực giành lại thành phố Melitopol, nơi Nga thiết lập là thủ phủ của Zaporizhzhia, rồi sau đó tiến công nhằm chia cắt hành lang trên đất liền.

Ukraine cũng có thể tấn công Crimea với các chiến dịch hải quân hoặc thậm chí các chiến dịch đổ bộ vào các bờ biển. Các kịch bản khác là Ukraine có thể tấn công ở phía Đông qua thành phố Bakhmut đang giao tranh ác liệt hoặc từ thị trấn Kupiansk nhằm giành lại các khu vực ở Lugansk.

Theo ông Reznikov, kịch bản triển vọng nhất là cuộc tấn công không chỉ giải phóng các ngôi làng và thành phố mà còn cắt đứt tuyến hậu cần của quân đội Nga và giảm khả năng tấn công của họ. Các nhà lãnh đạo phương Tây khẳng định Ukraine đã được trang bị tốt để thực hiện cuộc tấn công.

Thách thức của Ukraine khi quân đội Nga nằm ngoài tầm bắn

Dù vậy, Tổng thống Zelensky nhận định: "Chúng tôi đang thua trên không", đồng thời kêu gọi chính quyền Tổng thống Mỹ Biden hỗ trợ Kiev tiêm kích F-16 tiên tiến. Nhưng Washington từ chối yêu cầu này và nói rằng Ukraine không cần các chiến đấu cơ trên.

Tổng thống Zelensky cho biết, Ukraine sẽ không chờ thêm tiêm kích để bắt đầu cuộc tấn công nhưng "nếu chúng tôi có chúng thì mọi việc sẽ dễ dàng hơn nhiều". Theo Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Reznikov, việc nhận được nhiều hệ thống phòng không hơn là "ưu tiên số 1" của nước này.

Tướng Richard Barrons, người đứng đầu Bộ Chỉ huy Lực lượng Liên hợp của Anh từ 2013 - 2016 cho rằng, mối lo ngại hiện nay là hệ thống phòng không của Ukraine có thể đối mặt các cuộc tấn công tên lửa dồn dập của Nga khi cuộc phản công bắt đầu. Theo ông, Mỹ có lẽ sẽ phải điều chỉnh các hệ thống của mình để khắc phục các điểm yếu.

"Câu hỏi đặt ra hiện nay là khả năng kiểm soát không phận của Ukraine", ông Barron nhận định và đánh giá, trong mùa đông vừa qua, Nga đã sử dụng chiến thuật nhằm làm cạn kiệt các hệ thống phòng không của Ukraine

Kiev cũng đang kêu gọi phương Tây hỗ trợ phương tiện để nước này thực hiện các cuộc không kích tầm xa hơn khi chiến dịch phản công cận kề. Dù vậy, các nước này từ lâu đã lo ngại những phương tiện như vậy có thể được sử dụng để tấn công vào bên trong nước Nga và gây ra leo thang căng thẳng nghiêm trọng với Moscow.

Tuy nhiên, chính Tổng thống Zelensky thừa nhận việc thiếu những vũ khí này sẽ đặt Ukraine trước bất lợi nghiêm trọng.

"Tôi thực sự không hiểu, tại sao chúng tôi không thể nhận các hệ thống pháo tầm xa", Tổng thống Zelensky đặt câu hỏi, đồng thời đảm bảo Ukraine sẽ không sử dụng chúng để tấn công vào trong lãnh thổ Nga như một số nước phương Tây lo ngại.

Theo ông Zelensky, việc thiếu vũ khí là lý do tại sao các lực lượng của Ukraine sau khi giành lại thành phố Kherson ở phía Nam vào tháng 11 lại không thể đẩy lùi Nga khỏi các vùng lãnh thổ mà họ kiểm soát dọc sông Dnieper. Từ các vị trí dọc sông, Nga thường bắn vào các khu vực do Ukraine kiểm soát trong thành phố.

"Họ có thể đưa quân từ đây tới phía Đông hoặc phía Nam. Họ vẫn đang tăng cường lực lượng. Vì sao? Bởi vì họ biết là vũ khí của chúng tôi không thể vươn tới các vị trí của họ", ông Zelensky cho hay.

Các lực lượng của Nga ở Kherson hiểu rõ Ukraine thiếu khả năng tiến hành các cuộc không kích tầm xa, vì thế "họ rút toàn bộ bốt chỉ huy, kho nhiên liệu và đạn dược khỏi phạm vi hơn 120km", ông Reznikov nói.

"Đó là lý do tại sao chúng tôi cần thứ gì đó với tầm bắn khoảng 150 km. Điều này sẽ gây khó cho đối phương về mặt hậu cần. Chúng tôi cần tiến quân càng sâu càng tốt", Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine nhận định./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại