Ukraine lộ lỗ hổng, Nga tận dụng "hạ đòn": Loạt tiêm kích quan trọng bị phá hủy gây khủng hoảng cho Kiev

Duy Anh |

Tạp chí Forbes (Mỹ) cho biết, Ukraine không có đủ lực lượng phòng không để bảo vệ những căn cứ dễ bị tổn thương nhất.

Loạt tiêm kích quan trọng của Ukraine bị phá hủy

Tạp chí Forbes (Mỹ) đưa tin, ngày 1/7, một máy bay không người lái của Nga đã phát hiện ra 6 máy bay chiến đấu Sukhoi Su-27 của không quân Ukraine đậu ngoài trời, vào ban ngày, trên đường băng tại căn cứ không quân Mirgorod, miền bắc Ukraine, cách biên giới với Nga hơn 160km.

Một tên lửa đạn đạo Iskander của Nga đã lao tới, phá hủy 2 máy bay chiến đấu quý giá này - ước tính thiệt hại khoảng 5% tổng số máy bay Su-27 của Ukraine.

Ngay sau đó, vào ngày 2/7, điều tương tự đã xảy ra. Một máy bay không người lái của Nga đã bay qua căn cứ không quân Ukraine ở Poltava - ngay phía đông Mirgorod, cũng cách biên giới Nga khoảng 160km. Sau nhiều giờ giám sát, một tên lửa Iskander đã tấn công và làm hư hại một trực thăng chiến đấu Mi-24 của quân đội Ukraine.

Forbes đánh giá, việc thiếu hụt trong lực lượng phòng không đã khiến các căn cứ không quân của Ukraine phải hứng chịu các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa của Nga.

Các cuộc đột kích của Nga vào các căn cứ của Ukraine đã liên tục leo thang kể từ mùa thu năm ngoái. Cho đến nay, các cuộc đột kích này đã phá hủy 2 máy bay chiến đấu Su-27, 2 máy bay chiến đấu Mikoyan MiG-29, một máy bay phản lực tấn công Sukhoi Su-25 và có khả năng là Mi-24.

Lực lượng không quân của quân đội Ukraine không thể duy trì được nếu tiếp tục gặp những tổn thất này. Không quân của Kiev chỉ có vài chục chiến MiG và Sukhoi và không có nguồn cung cấp rõ ràng nào để thay thế. Quân đội Kiev có khoảng 50 chiếc Mi-24 nhưng cũng có thể gặp khó khăn trong việc mua sắm thêm.

Forbes đánh giá đây là cuộc khủng hoảng về phòng không đối với Kiev. Thông thường, Ukraine sẽ bảo vệ các căn cứ quan trọng nhất của họ bằng nhiều lớn tên lửa đất đối không. Nhưng không quân và quân đội Ukraine đang phải vật lộn để đồng thời bảo vệ các thành phố, các khu tập trung quân lớn và các căn cứ tiền tuyến như sân bay Mirgorod và Poltaga.

Chiếc Mi-24 của Ukraine. Ảnh: Forbes

Chiếc Mi-24 của Ukraine. Ảnh: Forbes

Lỗ hổng của Ukraine

Các con số nhấn mạnh quy mô của vấn đề. Quân đội và không quân Ukraine đã bắt đầu cuộc chiến rộng lớn hơn với khoảng 400 hệ thống tên lửa đất đối không. 28 tháng sau, Ukraine đã mất khoảng 140 hệ thống trong số đó và mua được khoảng 100 hệ thống thay thế.

Trên lý thuyết, quân đội Ukraine chỉ mất 10% lực lượng phòng không so với trước chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga. Nhưng lực lượng này đã mỏng hơn nhiều so với tháng 2/2022. Các cuộc tấn công của Nga vào các thành phố của Ukraine đã buộc Kiev phải tập trung lực lượng phòng không tốt nhất của mình xung quanh các thành phố lớn nhất.

Khi ưu tiên bảo vệ cho các thành phố, lực lượng vũ trang Ukraine ít bảo vệ các sân bay của họ. Máy bay không người lái của Nga giám sát Poltava đã được người dân Ukraine nhìn thấy trên mặt đất trong 3 giờ trước khi tên lửa Iskander tấn công. Forbes cho rằng, rõ ràng là không ai có cách nào bắn hạ nó.

Forbes lưu ý rằng, Nga cũng đang gặp vấn đề tương tự. Moscow cũng đang ra sức bảo vệ căn cứ không quân của mình khỏi tên lửa và máy bay không người lái của Ukraine. Tuy nhiên, sự khác biệt ở đây là Nga có nhiều máy bay hơn và có thể chịu được tổn thất lớn hơn.

Ukraine đang nhận được viện trợ lớn hơn. Mỹ đã cân nhắc một gói viện trợ trị giá 2,3 tỷ USD, dự kiến sẽ cấp cho Kiev vào giữa tháng 7, được cho là sẽ bao gồm nhiều hệ thống phòng không, gồm nhiều tên lửa Patriot tầm xa và NASAMS tầm trung.

Tuy nhiên, cũng có nhiều khả năng rằng những biện pháp phòng thủ mới này cũng sẽ bảo vệ các thành phố thay vì các căn cứ không quân.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại