Nga mất kiên nhẫn
Đối với công chúng, hình ảnh Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cùng nhau ăn kem đã đủ mô tả mối quan hệ khăng khít giữa hai nhà lãnh đạo nổi tiếng.
Hình ảnh thú vị này diễn ra tại triển lãm hàng không gần Moscow vào tháng 8/2019, một tháng sau khi Thổ Nhĩ Kỳ nhận hệ thống phòng không S-400 do Nga sản xuất, thương vụ khiến Mỹ nổi giận, đưa ra các hành động chống lại đồng minh NATO. Cho đến nay, đây vẫn là vấn đề gây bất bình hàng đầu giữa Washington và Ankara.
Nhưng căng thẳng mới nhất giữa Nga và Ukraine đang mang đến những khác biệt trong mối quan hệ tưởng chừng tốt đẹp giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.
“Ukraine là câu chuyện hoàn toàn khác”, Gonul Tol, giám đốc chương trình Thổ Nhĩ Kỳ của Viện Trung Đông có trụ sở tại Washington, nói với Al Jazeera. “Có một mối quan hệ đối tác quốc phòng chặt chẽ mà Thổ Nhĩ Kỳ đã vun đắp với Ukraine trong 5-6 năm qua, điều rất quan trọng đối với Ukraine”.
“Nhưng Nga coi Donbass là khu vực quan trọng sát biên giới. Trong suy nghĩ của Tổng thống Putin, vấn đề Ukraine đại diện cho một không gian quan trọng hơn nhiều. Ông ấy sẽ quyết liệt trong việc bảo vệ những gì được coi là khu vực ảnh hưởng của mình”.
Hình ảnh hai nhà lãnh đạo Nga-Thổ ăn kem tại một triển lãm hàng không gần Moscow.
Trong những tuần gần đây, truyền thông phương Tây báo cáo Moscow đã tập trung hàng chục nghìn quân, huy động xe tăng và pháo gần biên giới phía Đông Ukraine. Moscow và Kiev đã có xung đột từ năm 2014 khi Nga sáp nhập Crimea, cũng như bất đồng trong cuộc khủng hoảng ở miền Đông Ukraine.
Mặc dù Ankara đã cố gắng nhấn mạnh sự cân bằng trong cuộc leo thang, nhưng Moscow đã cho thấy dấu hiệu của sự thiếu kiên nhẫn.
Gặp mặt Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy vào đầu tháng này, ông Erdogan đã đưa ra lời ủng hộ đối với Kiev, ngầm ám chỉ sự phản đối việc sáp nhập Crimea.
Ngày diễn ra hội nghị thượng đỉnh Erdogan-Zelenskyy cũng chứng kiến Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ “kiềm chế, không khuyến khích các khuynh hướng quân phiệt ở Kiev”.
Ankara đã bán hàng chục máy bay không người lái Bayraktar cho Ukraine vào năm 2019, vũ khí đã chứng tỏ giá trị trước các hệ thống vũ khí do Nga chế tạo trong những năm gần đây.
Moscow sau đó đã thông báo ngừng các chuyến bay đến Thổ Nhĩ Kỳ cho đến tháng 6, điều mà nhiều nhà bình luận coi đây là một "hình phạt" đối với Ankara.
“Việc hủy bỏ các chuyến bay là phần mở đầu và là phần nổi của tảng băng chìm về những gì Nga có thể làm”, Tol nói.
Đòn bẩy kinh tế
Các nhà phân tích cho rằng có nhiều điểm tương đồng gắn kết giữa hai nhà lãnh đạo Erdogan và Putin, trong đó cả hai đều có sự bất đồng với tư tưởng của phương Tây.
Chất keo gắn chặt mối liên kết Nga-Thổ là kinh tế, đặc biệt là năng lượng. Thổ Nhĩ Kỳ thiếu các nguồn năng lượng mà chỉ Nga đang đáp ứng được nhu cầu.
Phần lớn hàng hóa xuất khẩu trị giá 23,12 tỷ USD của Nga sang Thổ Nhĩ Kỳ trong năm 2019 là từ nguồn cung khí đốt trong khi 4,15 tỷ USD hàng hóa được gửi đến Nga từ Thổ Nhĩ Kỳ bao gồm phần lớn là các sản phẩm nông nghiệp, máy móc, dệt may và xe cộ.
Thổ Nhĩ Kỳ gắn kết với Ukraine sẽ là lằn ranh đỏ đối với Nga?
Trong thời gian qua, Thổ Nhĩ Kỳ đã và đang đa dạng hóa các nguồn năng lượng để cắt giảm sự phụ thuộc vào Nga ngay cả khi đang hợp tác xây dựng đường ống dẫn khí đốt đến châu Âu qua Thổ Nhĩ Kỳ.
“Mối quan hệ đang nghiêng về phía Nga vì hàng hóa của Thổ Nhĩ Kỳ xuất sang Nga dễ thay thế hơn là hàng xuất khẩu của Nga sang Thổ Nhĩ Kỳ”, Anna Mikulska, chuyên gia năng lượng tại Viện Chính sách Công Baker của Đại học Rice ở Houston, nói với Al Jazeera.
Trắc trở Nga-Thổ
Mặc dù giảm bớt sự phụ thuộc quá mức vào Nga là bước đi hợp lý, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ vẫn phải sống trong cùng khu vực với một quốc gia mà họ đã từng có mối quan hệ đối đầu từ thế kỷ 16.
Nhu cầu hòa hợp của Ankara với Moscow thường được miêu tả khi nước này “quay lưng” với phương Tây sau nhiều năm đóng vai trò là lá chắn của NATO chống lại Liên Xô.
Tuy nhiên, theo Selim Sazak, giám đốc nghiên cứu của TUM Strategy ở Ankara, chính sách đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ đang được thể hiện một cách thực dụng, khéo léo.
Mặc dù thường xuyên nhấn mạnh đến quan hệ nồng ấm, con đường mà ông Erdogan và ông Putin đang đi đôi khi rất chông gai.
Vụ bắn rơi máy bay của Nga vào cuối năm 2015 chứng kiến chính quyền Putin áp đặt các lệnh trừng phạt với Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng tranh cãi được xoa dịu sau nỗ lực đảo chính đe dọa lật đổ chính quyền Erdogan vào tháng 7/2016, khi ông Putin trở thành người đầu tiên đưa ra những lời ủng hộ người đồng cấp của mình vô điều kiện.
Ngay cả vụ ám sát đại sứ Nga tại Ankara cùng năm đó cũng không cản trở việc nối lại quan hệ.
Sự ủng hộ của Nga đối với Tổng thống Bashar al-Assad ở Syria đã tạo ra nhiều nguy cơ xung đột với Thổ Nhĩ Kỳ nhưng tất cả đều được đặt sang một bên.
Thay vào đó, trong những năm gần đây, Erdogan đã giảm bớt những luận điệu chống lại Tổng thống Syria, không còn khăng khăng về việc lật đổ Damascus và tham gia cùng Nga, Iran trong tiến trình Astana nhằm tìm cách chấm dứt chiến tranh.
Ở Libya, lợi ích của hai bên cũng khác nhau, với việc Ankara ủng hộ chính phủ quốc tế ở Tripoli, trong khi Nga được cho là ngầm ủng hộ các lực lượng phía Đông.
Cuộc giao tranh năm ngoái ở Nagorno-Karabakh giữa Azerbaijan và Armenia đã buộc Nga ra mặt kêu gọi chấm dứt bạo lực sau khi máy bay không người lái do Thổ Nhĩ Kỳ đóng một vai trò quan trọng trong chiến thắng của Azerbaijan.
Về mặt lý tưởng, cả Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đều có quan điểm chống phương Tây được thúc đẩy bởi những điều không hài lòng. Nga bất bình khi các đối tác Đông Âu cũ đổ xô sang NATO và Liên minh châu Âu (EU), trong khi Thổ Nhĩ Kỳ nhìn thấy hy vọng gia nhập EU của họ đang tối dần.
“Họ có mối quan hệ tương tự với phương Tây, mặc dù Nga căng thẳng hơn nhiều”, Mikulska nói.
“Nhưng có nhiều thứ chia rẽ họ hơn là gắn kết lại với nhau. Cả hai đều đang cố gắng trở thành người thống trị khu vực Á-Âu và Nagorno-Karabakh là cuộc xung đột phơi bày điều này”.
"Thổ Nhĩ Kỳ có thể giành chiến thắng trong một số trận chiến khu vực với Nga nhưng họ nhận ra rằng họ không thể trở thành bá chủ khu vực khi Nga vẫn còn ở đó”, chuyên gia này nhấn mạnh.
Ngoài ra, những ý kiến cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ đang xoay trục sang Nga dường như cũng bị thổi phồng quá mức.
“Thổ Nhĩ Kỳ không có lợi khi giúp Nga thuận tiện hơn trong việc mở rộng vùng ảnh hưởng. Càng đến gần, càng có nguy cơ bị gấu Nga vồ”, chuyên gia Sazak nhấn mạnh.