Tờ Politico dẫn lời cố vấn Bộ Quốc phòng Ukraine, ông Yuriy Sak hôm 16/5 cho biết: "Ukraine muốn nhận tổng cộng 40 đến 50 chiếc F-16, thành lập ba hoặc bốn phi đội để bảo vệ bầu trời của mình khỏi các cuộc tấn công của Nga".
"Chúng tôi hiểu rằng hệ thống phòng không Ukraine sẽ không hoàn chỉnh nếu như không có máy bay chiến đấu F-16", ông Yuriy Sak nói thêm.
Máy bay chiến đấu F-16
Kiev đã nói với các nhà lãnh đạo phương Tây nhu cầu về máy bay chiến đấu hiện đại đã trở nên cấp thiết hơn kể từ khi lực lượng không quân Nga bắt đầu sử dụng rộng rãi bom lượn có điều khiển vào tháng 3, loại bom có thể tiếp cận mục tiêu ở khoảng cách xa hơn.
Hiện tại, Ukraine "không có gì để ngăn cản" phương tiện mang theo loại vũ khí này.
Theo ông Yuriy Sak, Tổng thống Zelensky muốn máy bay chiến đấu là ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự tại Hội nghị thượng đỉnh G7 ở Hiroshima và sau đó là Hội nghị thượng đỉnh NATO hằng năm ở Litva vào tháng 7.
Quan chức của Ukraine cũng lưu ý rằng, tổng thống Ukraine đã nhận được “sự đảm bảo” từ các nhà lãnh đạo phương Tây trong chuyến công du châu Âu mới nhất rằng họ sẽ thảo luận về vấn đề này trong những ngày tới.
Mặc dù Anh, Ý, Pháp và Đức không thể cung cấp máy bay chiến đấu F-16 cho Ukraine, tuy nhiên họ có tiếng nói quan trọng trong liên minh quốc tế và Ukraine hy vọng họ có thể “khuyến khích” các đồng minh như Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp các hỗ trợ cần thiết.
F-16 Fighting Falcon là máy bay chiến đấu hạng nhẹ đa năng thế hệ thứ tư do tập đoàn Lockheed Martin sản xuất. Với vai trò là máy bay chiến đấu đa nhiệm, F-16 được thiết kế để có thể thực hiện được cả các nhiệm vụ ném bom mục tiêu mặt đất lẫn đánh chặn trên không.
Fighting Falcon được trang bị một động cơ phản lực Pratt&Whitney F100-PW-200, lực đẩy tối đa 106 kN có đốt sau. Động cơ này giúp F-16 đạt tốc độ tối đa Mach 2 (tương đương 2.400 km/h), tầm bay khoảng 4.200 km.
Tiêm kích này được trang bị 11 giá treo để mang vũ khí các loại như tên lửa không đối không, không đối đất, cùng nhiều loại bom dẫn đường thông minh.