Thắng lợi bước đầu của Ukraine
Ukraine tuyên bố đạt được một số bước tiến nhỏ vào hôm 12/6/2023 trong cuộc phản công ở Đông Nam nước này. Họ vẫn đang tìm kiếm một địa điểm có thọc sâu vào phòng tuyến Nga - chìa khóa để họ đạt được hy vọng lấy lại các vùng lãnh thổ rộng lớn rơi vào tay Nga trong "chiến dịch quân sự đặc biệt" năm 2022.
Viết trên mạng xã hội Telegram, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Ukraine Hannah Maliar cho biết, sau một tuần kịch chiến bằng bộ binh, pháo binh và xe tăng trên chiến trường chủ yếu là vùng nông thôn, các lực lượng Ukraine (mới được phương Tây huấn luyện và vũ trang) đã tái chiếm được 7 ngôi làng và khu định cư.
Theo Thứ trưởng Maliar, mũi tiến sâu nhất của quân Ukraine là khoảng 6,5km và "diện tích lãnh thổ mới giành được là 90km2".
Tầm quan trọng của các lãnh thổ mà Ukraine mới giành lại được vẫn phải xem xét thêm. Giới phân tích quân sự cho rằng sẽ mất nhiều tuần hoặc nhiều tháng để đo được sự thành công trong loạt phản công do Ukraine thực hiện trong tuần qua trên nhiều tuyến mặt trận ở tỉnh Donetsk và Zaporozhye. Tiến bộ của quân Ukraine được đo bằng mét hoặc cùng lắm là kilomet. Chiến quả của Ukraine bao gồm các ngôi làng nông nghiệp nhỏ bé và chưa có dấu hiệu rõ ràng nào về một đột phá lớn nào vào mạng lưới phòng ngự dày đặc của quân đội Nga.
Ukraine mới chỉ thăm dò và nghi binh
Cuộc phản công nhiều mũi vừa qua của Ukraine có khả năng mới chỉ áp dụng các đòn thăm dò và nghi binh. Bộ phận chính của lực lượng tấn công vẫn được giữ ở hàng dự bị và sẽ chỉ được tung vào trận để khoét sâu vào điểm yếu mà Ukraine phát hiện được trong phòng tuyến Nga.
Giới phân tích cho biết, Ukraine chưa tiết lộ con số thương vong của họ nhưng các cuộc tấn công vỗ mặt nhằm vào hệ thống hầm hào, bãi mìn và ụ súng của Nga có thể đã gây ra thương vong lớn cho lực lượng Ukraine tham gia phản công.
Có vẻ lũ lụt do vỡ đập Kakhovka hôm 6/6 trên sông Dnieper không làm chậm đà tiến của quân Ukraine vì họ không có ý định vượt sông này để tiến đánh quân Nga.
Lực lượng quân sự đôi bên có lẽ không bị ảnh hưởng nhiều từ vụ vỡ đập nhưng cuộc sống của hàng ngàn người dân nơi đây đã bị đảo lộn: Nhà cửa và nơi làm việc ngập trong nước, họ buộc phải sơ tán. Đối với những ai ở lại, dòng sông đóng vai trò trong nền kinh tế vùng này hiện đầy các mảnh vỡ và các chất độc hóa học. Lũ cuốn rác thải và gây ô nhiễm các hệ thống nước sinh hoạt. Hơn 12 người đã chết đuối, hàng chục người khác mất tích.
Vụ vỡ đập cũng làm giảm lượng nước trữ trong hồ chứa phía sau đập - đây là nguồn nước cho các thành phố và trang trại ở thượng lưu sông cũng như để làm mát cho nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye. Hôm 12/6, Bộ Bảo vệ môi trường của Ukraine thông báo hơn 72% lượng lớn của hồ chứa đã mất.
Trở ngại chiến lược của Ukraine
Giới chuyên gia nhận định, việc Nga điều chỉnh chiến thuật và cải thiện vũ khí sẽ khiến xung đột thêm giằng co, Ukraine khó giành được chiến thắng quyết định một cách nhanh chóng và có nguy cơ rơi trở lại chiến trận tiêu hao như trước đây.
Richard Barrons, một viên tướng về hưu của Anh cho biết, Nga đã xây được các tuyến phòng ngự kinh điển ở Zaporozhye.
Lực lượng công binh Nga đã dày công xây dựng hệ thống phòng ngự tinh vi nhiều lớp, với chiến hào gia cố bằng bê tông, dây thép gai chằng chịt, hầm chỉ huy kiên cố, và hệ thống chướng ngại vật "răng rồng" để cản bước xe tăng đối phương.
Theo ông Barrons, Nga cũng đã nâng cao đáng kể năng lực sử dụng UAV để tiến công cũng như năng lực đối phó với UAV đối phương, đồng thời biết bố trí các sở chỉ huy và kho đạn quan trọng nằm ngoài tầm bắn của pháo binh Ukraine.
Theo thời gian, năng lực tác chiến điện tử của Nga được cải thiện mạnh mẽ, giúp họ phá hủy tới 10.000 UAV của Ukraine mỗi tháng.
Viện nghiên cứu liên hợp Hoàng gia (RUSI) có trụ sở ở Anh cho biết, Nga hiện nay có năng lực chặn thu và giải mã các liên lạc chiến thuật của Ukraine theo thời gian thực.
Tướng Barrons cho rằng Nga đã mài sắc kỹ năng xạ kích để có thể bắn nhanh và chính xác vào lực lượng pháo binh và xe tăng Ukraine mỗi khi họ phát hiện ra mục tiêu.
Ngoài ra, Nga còn đưa hàng loạt vũ khí cổ từ thời Liên Xô ra để sử dụng trên chiến trường. Bản thân số lượng các vũ khí này đã là một lợi thế. Hơn nữa, Nga đã biến nhiều cỗ xe tăng như thế thành vũ khí phòng thủ tĩnh, bố trí trong hệ thống phòng ngự của họ, bao gồm cả ở tỉnh Zaporozhye. Các vũ khí tĩnh như thế này đã tỏ ra hiệu quả trong thực chiến.
Ngành công nghiệp quốc phòng Nga thời gian qua cũng nỗ lực cải tiến đáng kể vũ khí của họ, như biến bom trọng trường (mà Nga sở hữu số lượng lớn kế thừa từ thời Liên Xô) thành bom lượn./.