Ukraine đối mặt mối đe dọa mới từ UAV cảm tử Lancet của Nga

Hoàng Phạm/VOV.VN (Theo Sputnik) |

Tầm hoạt động xa hơn của UAV Lancet của Nga không chỉ đe dọa các máy bay MiG tại Dolgintsevo, Ukraine, mà còn bất cứ máy bay chiến đấu nào của Ukraine đang sử dụng căn cứ dự bị tại Voznesensk ở Vùng Nikolayev.

Một tạp chí Mỹ cho hay, khi quân đội Ukraine cố gắng vượt qua các tuyến phòng thủ của Nga trong một cuộc phản công gây tổn thất lớn về nhân lực và trang thiết bị, Kiev cũng đang phải đối mặt với một mối đe dọa khác. Bài báo nhấn mạnh, máy bay không người lái cảm tử (UAV kamikaze) thế hệ tiếp theo của Nga hiện nay có tầm hoạt động xa hơn nhiều, điều đó có nghĩa là chúng có thể tiếp cận các căn cứ không quân quan trọng của Ukraine.

Ấn phẩm dẫn lại đoạn video được đăng trên mạng xã hội X (Twitter) cho thấy một cuộc tấn công bằng UAV cảm tử Lancet của Nga nhằm vào máy bay chiến đấu MiG-29 của Ukraine tại căn cứ không quân Dolgintsevo gần Krivoy Rog, ở Vùng Dnepropetrovsk.

Chiếc UAV thứ hai được cho là đã "quan sát" toàn bộ cuộc tấn công của Lancet từ phía trên lực lượng phòng không Ukraine tại căn cứ.

UAV Lancet Nga tấn công máy bay MiG-29 của Ukraine. Video: Sprinter

Căn cứ không quân Ukraine nằm trong tầm tấn công

Có một điều đáng chú ý là căn cứ không quân này cách tiền tuyến hơn 70km. Tạp chí Mỹ phỏng đoán rằng UAV cảm tử Lancet của Nga hiện đã được cải thiện phạm vi hoạt động và có thể vươn tới các căn cứ không quân chính của Ukraine. Thực tế là hàng loạt máy bay MiG và Sukhoi đậu trên đường băng giờ đây có thể dễ dàng trở thành mục tiêu của UAV Lancet tầm xa.

Lancet được đánh giá là một trong những UAV hiệu quả nhất của Nga trên chiến trường Ukraine, nhưng tầm hoạt động trước đây của nó không vươn xa đến vậy.

Cuộc tấn công được nhắm vào máy bay MiG của Ukraine tại Dolgintsevo có thể là màn ra mắt của mẫu UAV Lancet mới - Izdeliye 53.

Trước đó, các nhà sản xuất UAV của Nga đã trình làng một số máy bay không người lái mới tại Diễn đàn Kỹ thuật Quân sự Quốc tế Army-2023. Trong số này có Izdeliye-53, còn được gọi là Z-53. Đây là một loại đạn dược lảng vảng thế hệ tiếp theo của UAV Lancet do ZALA Aero phát triển.

Những chiếc UAV như vậy có khả năng mang trọng tải lên tới 5kg, được thiết kế để bay theo nhóm, có thể liên lạc và phối hợp với nhau để tìm kiếm và chỉ định mục tiêu trên mặt đất, từ các khẩu đội tên lửa, hệ thống phòng không cho tới xe thiết giáp của đối phương. Không giống như mẫu Lancet hiện này được phóng từ một đường ray khí nén đặc biệt, Z-53 được phóng từ các ống nhỏ đặt trên mặt đất, có cấu hình tương tự như súng cối nhưng gọn nhẹ và dễ di chuyển.

Mối đe dọa tiềm tàng với tiêm kích F-16

Tạp chí Mỹ phỏng đoán, tầm hoạt động mới, xa hơn của Lancet có thể "đe dọa không chỉ các máy bay MiG tại Dolgintsevo mà còn bất cứ máy bay chiến đấu nào của Ukraine đang sử dụng căn cứ dự bị tại Voznesensk ở Vùng Nikolayev".

Sau khi trình làng biến thể Lancet mới có thể bay được khoảng cách xa hơn, Nga đã đặt ra cho Ukraine một tình thế tiến thoái lưỡng nan mới trong bối cảnh Kiev sắp được nhận tiêm kích F-16.

Hồi tháng 8, Lầu Năm Góc cho biết Đan Mạch và Hà Lan sẽ bắt đầu chuyển giao máy bay chiến đấu F-16 cho Ukraine trong những tháng tới sau khi phi công của Kiev hoàn tất chương trình đào tạo ở Mỹ.

Ukraine đối mặt mối đe dọa mới từ UAV cảm tử Lancet của Nga - Ảnh 2.

UAV Lancet của Nga. Ảnh: TASS

Nhận định trên được đưa ra sau khi Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố Lực lượng Hàng không Vũ trụ nước này đã tiến hành cuộc tấn công vào sân bay Dolgintsevo ngày 11/9, phá hủy 2 máy bay chiến đấu MiG-29 và 3 máy bay tấn công Su-25 của không quân Ukraine.

Moscow đã sử dụng hiệu quả nhiều loại UAV trong chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine nhằm giảm bớt những rủi ro không cần thiết cho quân đội, đồng thời tiến hành các cuộc tấn công phẫu thuật vào mục tiêu của đối phương.

Gần đây, Bộ Quốc phòng Nga đã công bố đoạn video cho thấy lực lượng lính dù phá hủy xe tăng Ukraine bằng UAV cảm tử. UAV trinh sát được sử dụng để phát hiện mục tiêu, sau đó UAV cảm tử Lancet sẽ tấn công và phá hủy mục tiêu được chỉ định.

UAV cảm tử (hay đạn lảng vảng) là một loại đạn thông minh, có thể lảng vảng theo đúng nghĩa đen, tức là chờ đợi "con mồi" một cách thụ động trước khi tấn công. Những chiếc UAV này được tích hợp đầu đạn để phát nổ khi lao vào mục tiêu và do đó chúng không thể sống sót sau cuộc tấn công.

Nói về Izdeliye-53, nhà thiết kế chính của ZALA Aero, Alexander Zakharov cho biết, UAV mới này gần như không có đối thủ và không có phương tiện nào đối phó được với nó.

Hình ảnh quảng bá về UAV Izdeliye-53 mới. Video: Sputnik

Theo ông, thế hệ UAV Lancet mới sẽ hành động theo hiệu lệnh của người vận hành nhưng đồng thời cũng có thể lựa chọn mục tiêu hoàn toàn tự động. Vai trò của người điều khiển sẽ là nhập các lệnh liên quan đến khu vực hoạt động và các loại mục tiêu cần theo dõi như các hệ thống thiết giáp, pháo, radar hoặc phòng không. UAV sẽ tiếp cận khu vực mục tiêu và độc lập đưa ra quyết định về mục tiêu thiết bị của đối phương. UAV này cũng đủ thông minh để nhận biết và lựa chọn mục tiêu lớn hơn nếu đứng trước nhiều mục tiêu.

Ngoài ra, nếu đối phương thu giữ được một UAV Izdeliye-53 và mổ xẻ chúng để nghiên cứu, họ cũng sẽ không biết được bí mật của nó do UAV có cấp độ bảo vệ và bảo mật cao.

Izdeliye-53 cũng đã trải qua một loạt thử nghiệm chiến đấu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại