Khoảng 250 công ty khởi nghiệp trên khắp lãnh thổ Ukraine đang cùng sản xuất các robot chiến đấu - những cỗ máy giết người tự động hoặc điều khiển từ xa - tại những địa điểm bí mật.
Thiếu nhân lực nghiêm trọng, lại phải đương đầu với một đối thủ mạnh hơn nhiều, Ukraine đang tìm hướng đi mới trong xung đột với Nga, đó là dựa vào các robot sát thủ để tạo lợi thế chiến lược.
Ukraine hy vọng, với một hệ sinh thái các phòng thí nghiệm tại hàng trăm công xưởng bí mật, họ có thể xây dựng được một đội quân robot có khả năng gây thương vong cao cho binh sĩ Nga và bảo toàn lực lượng của Ukraine.
Các địa điểm bí mật nói trên trông giống như các cửa hàng sửa chữa ô tô ở nông thôn.
Ukraine hiện sở hữu các UAV tấn công bán tự động và các vũ khí trang bị trí tuệ nhân tạo (AI).
Lợi thế về giá cả từ việc nội địa hóa
Nhân viên tại doanh nghiệp startup của Andrii Denysenko có thể lắp rắp một xe quân sự không người lái gọi là Odysseey trong thời gian 4 ngày tại một xưởng của công ty này. Điều quan trọng nhất là giá của sản phẩm này chỉ ở mức 35.000 USD, tương đương 10% chi phí một mẫu xe tương ứng nhập khẩu.
Doanh nhân Denysenko yêu cầu hãng thông tấn AP của Mỹ không xuất bản các chi tiết về địa điểm của xưởng nhằm bảo vệ cơ sở thiết bị và những công nhân làm việc tại đây.
Xưởng này chia làm nhiều phòng nhỏ chuyên về các công đoạn như hàn, làm thân xe, giá đựng hàng, phun sơn xanh lá cây, lắp thiết bị điện tử cơ bản, động cơ chạy bằng ắc-quy, camera và cảm biến nhiệt.
Quân đội Ukraine đang đánh giá hàng chục mẫu thiết bị không người lái trên không (UAV), trên bộ (UGV) và trên biển (USV) do khối khởi nghiệp chế tạo.
Các kỹ sư của những công ty khởi nghiệp nói trên lấy cảm hứng sáng tạo từ các tạp chí quốc phòng hoặc những đoạn video chia sẻ trực tuyến để chế ra những phương tiện giá rẻ hơn nhiều. Vũ khí và các thiết bị thông minh sẽ được bổ sung sau đó.
Denysenko, người đứng đầu UkrPrototyp, nhìn nhận: “Chúng tôi đang phải chiến đấu với một đối thủ không có giới hạn nào về nguồn lực. Chúng tôi hiểu rằng chúng tôi không thể tổn thất thêm sinh mạng. Chiến tranh là toán học”.
Mẫu xe không người lái Odyssey của công ty này nặng 800kg, trông như một xe tăng nhỏ không có tháp pháo, chạy bằng bánh xích với tốc độ lên tới 30km/h sau một lần sạc ắc-quy.
Nguyên mẫu Odyssey đóng vai trò như một phương tiện giải cứu và tiếp tế nhưng có thể chỉnh sửa để mang được súng máy hạng nặng hoặc phóng thuốc nổ để phá mìn.
Khuyến khích sự tham gia của đông đảo quần chúng
Quân chủng thứ 4 của quân đội Ukraine (bên cạnh hải - lục - không quân) mới ra đời vào tháng 5/2024, đó là Các lực lượng tác chiến bằng hệ thống không người lái.
Sau khi Ukraine cho ra mắt Quân chủng Thiết bị không người lái, một trang web gây quỹ cho chính phủ Ukraine viết: “Các tiểu đội robot sẽ trở thành thiết bị hậu cần, xe tải kéo, thiết bị gài mìn và rà phá mìn, cũng như các robot tự hủy”.
Phó Thủ tướng Ukraine phụ trách chuyển đổi số, Mykhailo Fedorov, đang khuyến khích công dân nước này tham gia các khóa học trực tuyến miễn phí rồi tập lắp rắp UAV (thiết bị bay không người lái) tại nhà. Ông mong muốn người Ukraine tạo ra một triệu “máy bay” mỗi năm.
Toby Walsh - giáo sư AI tại Đại học New South Wales (Sydney, Australia), nói: “Các UAV rẻ hơn sẽ khiến chúng phổ biến hơn. Ngoài ra, mức độ tự động của chúng cũng có xu hướng tăng”.
Trong khi đó, Liên Hợp Quốc và Vatican lo lắng rằng việc sử dụng UAV và AI trong vũ khí có thể hạ thấp rào cản đối với việc giết người và làm leo thang đáng kể những cuộc xung đột trên thế giới.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) và các nhóm nhân quyền quốc tế khác đang kêu gọi cấm những vũ khí loại bỏ quá trình ra quyết định của con người và chỉ dựa vào AI.