Các tàu chở hàng tiến hành giao thương tại thành phố cảng Odessa, miền Nam Ukraine, trước khi xung đột vũ trang với Nga bùng phát. Ảnh: Middle East Monitor
Tuần cuối cùng của tháng 6 chứng kiến những bước phát triển địa chính trị quan trọng xoay quanh xung đột Nga -Ukraine hơn là những bước tiến ít ỏi trên thực địa của 2 bên trong cuộc giao tranh, hãng tin Al Jazeera nhận định.
Ukraine đang thực hiện các cuộc “rút lui chiến thuật” trước thế tấn công dữ dội của Nga ở mặt trận miền Đông, đồng thời tuyên bố đang chờ thời cơ để giành lại lãnh thổ của mình trong nửa cuối năm nay, theo Al Jazeera.
Những bước phát triển địa chính trị
Liên minh châu Âu (EU) chính thức trao quy chế ứng cử viên cho Ukraine và Moldova hôm 23/6. Cả 2 nước đều đã nộp đơn trong vòng một tuần sau khi Nga phát động tấn công quân sự vào Ukraine hôm 24/2.
Tốc độ cấp quy chế ứng cử viên của EU lần này là cực kỳ nhanh chóng và chưa từng có tiền lệ.
Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang trên đà mở rộng, với việc chính thức mời Phần Lan và Thụy Điển gia nhập liên minh hôm 29/6. Hai nước Bắc Âu đã cùng nhau nộp đơn xin vào NATO hôm 18/5.
Một lần nữa, tốc độ chấp nhận các ứng cử viên của NATO cũng nhanh chóng không kém EU và chưa từng có tiền lệ.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen (trái) phát biểu tại cuộc họp báo chung với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy. Ảnh: CNBC
Ngoài ra, tại Hội nghị Thượng đỉnh ở thủ đô Madrid của Tây Ban Nha (29-30/6), NATO tuyên bố mở rộng quy mô lực lượng sẵn sàng chiến đấu từ 40.000 lên hơn 300.000 binh sĩ, với nhiều trang thiết bị và kho dự trữ được bố trí sẵn, các hệ thống phòng không triển khai ở các nước thành viên và kế hoạch phòng thủ mới.
Rõ ràng, mặc dù Ukraine không được mời gia nhập NATO, nhưng Kiev đang có chỗ đứng vững chắc dưới chiếc ô an ninh của liên minh quân sự xuyên Đại Tây Dương.
“Về lâu dài, chúng tôi sẽ giúp Ukraine chuyển đổi từ thiết bị thời Liên Xô sang thiết bị NATO hiện đại”, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết.
Sự mở rộng của NATO chính là một lý do Tổng thống Nga Vladimir Putin viện dẫn để tấn công Ukraine.
Hôm 27/6, 7 quốc gia giàu có nhất thế giới (G7) đã lên tiếng bày tỏ sự ủng hộ cứng rắn nhất của họ dành cho Ukraine, đồng thời kêu gọi Nga rút khỏi "ranh giới được quốc tế công nhận", nói cách khác, là từ bỏ Crimea và các phần đã kiểm soát ở Donbass kể từ năm 2014, bên cạnh việc rút khỏi các khu vực Moscow đã giành được ở Ukraine kể từ cuối tháng 2.
Lời kêu gọi của G7 phù hợp với tham vọng khôi phục lãnh thổ mà Ukraine đã tuyên bố, nhưng nó không nhận được sự ủng hộ của tất cả các đồng minh khi lập trường của họ không đi xa đến vậy. Họ chỉ dừng lại ở những nhận định chung chung rằng cần đánh bại Nga hoặc không để Ukraine bại trước Nga.
Ngày 28/6, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (UNSC) đã lên án vụ tấn công tên lửa nhằm vào một trung tâm mua sắm ở Kremenchuk, miền Trung Ukraine, khiến ít nhất 18 người thiệt mạng.
Phó đại diện thường trực của Nga tại LHQ, Dmitry Polyanskiy, khẳng định Nga không nhắm mục tiêu vào dân thường ở Ukraine và đã không tấn công trung tâm mua sắm ở Kremenchuk.
Vị đại diện của Nga cũng chỉ trích UNSC vi phạm nguyên tắc khi cho phép Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy phát biểu trước hội đồng thông qua liên kết video.
Mặc dù vậy, cuối cùng, tại đây, Albania, Pháp, Ireland, Na Uy, Vương quốc Anh, Mỹ và Ukraine đã thay mặt UNSC đưa ra một tuyên bố.
Ở phía bên kia của sự chia rẽ địa chính trị ngày càng gia tăng, Trung Quốc dường như đang bày tỏ ủng hộ Nga khi nước này không tham gia các lệnh trừng phạt chống lại Moscow do Mỹ khỏi xướng.
Các quốc gia cần “từ chối tâm lý Chiến tranh Lạnh và sự đối đầu giữa các khối, phản đối các biện pháp trừng phạt đơn phương và lạm dụng các biện pháp trừng phạt, và từ chối các vòng tròn nhỏ được xây dựng xung quanh chủ nghĩa bá quyền”, hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc Tân Hoa Xã (Xinhua) dẫn lời Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết.
Tổng thống Nga Putin cũng chỉ trích các lệnh trừng phạt là nguyên nhân gây ra nguy cơ nạn đói trên thế giới, đồng thời cho rằng các lệnh trừng phạt đã ngăn cản Nga xuất khẩu phân bón – một vật tư nông nghiệp thiết yếu mà thế giới đang rất thiếu.
Vấn đề của Nga
Những bước phát triển địa chính trị của phương Tây diễn ra trong bối cảnh Ukraine để mất Severodonetsk – thành phố quan trọng nơi tiền tuyến Donbass – vào tay quân Nga từ hôm 24/6.
Nga cũng đang trong quá trình tìm cách giành giật Lysychansk, thành phố cuối cùng nằm dưới sự kiểm soát của Ukraine ở tỉnh Luhansk, nằm bên kia bờ sông Siverskyi Donets so với thành phố Severodonetsk vừa thất thủ.
Thống đốc Luhansk Serhiy Haidai cho biết, quân Ukraine phải rút khỏi Severodonetsk để ngăn kịch bản bị bao vây tái diễn, như những gì đã xảy ra tại nhà máy thép Azovstal ở thành phố Mariupol, miền Đông Nam Ukraine, hồi tháng 5.
Hơn nữa, Ukraine cũng xác định rằng không còn gì để bảo vệ ở thành phố đổ nát này nữa.
Việc rút quân được ấn định sẽ kéo dài vài ngày, nhưng dường như đã hoàn tất nhanh chóng, vì chỉ 2 ngày sau, kênh Telegram Rybar của Nga cho biết Moscow đã kiểm soát được Severodonetsk và tuyến đường tiếp tế quan trọng của Ukraine là đường cao tốc Bakhmut-Lysychansk.
Các lực lượng Ukraine dường như cũng đã thực hiện một cuộc rút lui chiến thuật khỏi Pryvillia và Bilohorivka, cũng thuộc tỉnh Lugansk.
Trong khi đang tìm cách khép vòng vây Lysychansk, quân Nga đã giành quyền kiểm soát một số khu định cư xung quanh và tiến vào khu vực trong vòng bán kính 10 km kể từ Bakhmut, thuộc tỉnh Donetsk. Và Bakhmut có thể chính là trung tâm đô thị lớn tiếp theo sẽ chứng kiến giao tranh ác liệt.
“Đó là bước tiến cực kỳ chậm chạp vì họ (Nga) đã chuyển trọng tâm giao tranh sang Donbass từ đầu tháng 4”, Samir Puri, một thành viên cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), người đã ở Donbass trong thời kỳ quân ly khai bắt đầu hoạt động năm 2014, cho biết.
“(Người Nga) hầu như không chiếm được Luhansk, và 50% Donetsk vẫn nằm dưới sự kiểm soát của người Ukraine”, ông Puri nói, đưa ra dự đoán rằng phải mãi đến tháng 8 Nga mới đạt bước tiến đáng kể trên mặt trận này.
“Người Ukraine đã củng cố lực lượng ở Donbass trong 7-8 năm qua, và có nhiều tuyến phòng thủ bởi vì họ đã lường trước một cuộc đối đầu trực diện với người Nga sớm muộn gì cũng xảy ra”, ông Puri nói với Al Jazeera, đồng thời đi đến kết luận, “Điều đó có nghĩa là không phải người Nga muốn tiến chậm mà là do năng lực phản công của người Ukraine.
Kế hoạch phản công của Ukraine
Ukraine đã cho thấy khả năng tổ chức phản công của mình trong những tuần gần đây, với việc tái chiếm được thành phố Kharkiv và các vùng phụ cận, đồng thời đẩy lùi các lực lượng Nga vài km về phía nam của Kherson.
Trong tuần cuối cùng của tháng 6, đồng thời là tuần thứ 18 của cuộc xung đột, Ukraine dồn hỏa lực tấn công dữ dội vào Đảo Rắn (Zmiinyi Island) – hòn đảo tiền tiêu ở Biển Đen vốn đã bị quân Nga chiếm giữ ngay từ những ngày đầu của cuộc xung đột.
Hôm 29/6, Nga tuyên bố rút quân đồn trú khỏi hòn đảo.
Đảo Rắn là một đảo nhỏ có vị trí chiến lược cách Odessa 80 hải lý (148 km) về phía tây nam, là chìa khóa để Nga phong tỏa cảng biển này.
Nhưng vẫn còn phải xem liệu Ukraine có thể thực hiện một cuộc phản công “thay đổi cuộc chơi” để đáp ứng tham vọng giành lại toàn bộ lãnh thổ đã mất hay không.
“Còn cả một hành trình dài mà Ukraine phải vượt qua để đạt đến mục tiêu đó. Người Nga hoàn toàn có thể ở ngay quê nhà của họ và sử dụng nhiều loại vũ khí tầm xa để bắn phá các lực lượng Ukraine”, vị chuyên gia của IISS cho biết.
Người đứng đầu cơ quan tình báo quân đội Ukraine, Kirill Budanov, đã cảnh báo rằng những thay đổi lớn đang đến. Ông Budanov cho biết, "một số sự kiện nhất định" sẽ diễn ra bắt đầu vào tháng 8, đánh dấu một bước ngoặt trong cuộc chiến.
“Ukraine sẽ khôi phục biên giới của năm 1991 và chúng tôi không xem xét bất kỳ kịch bản nào khác. Vào cuối năm, các hành động thù địch sẽ giảm xuống gần như bằng không. Chúng tôi sẽ giành lại quyền kiểm soát các vùng lãnh thổ của mình trong tương lai gần”, ông Budanov tuyên bố.
Các chuyên gia quân sự đã chỉ ra với Al Jazeera rằng, rất nhiều vũ khí hạng nặng do liên minh phương Tây cung cấp cho Ukraine sẽ mất nhiều tháng để đưa vào tham chiến trên thực địa.
Một số hệ thống đã có mặt trên chiến trường Ukraine, bao gồm pháo Caesar của Pháp và pháo M777 do Mỹ sản xuất, nhưng số lượng các loại vũ khí này không đủ để giúp Ukraine lật ngược tình thế trong cuộc chiến chống lại Nga.
Người ta cho rằng Ukraine đang huấn luyện một lớp binh sĩ mới sử dụng các hệ thống vũ khí mới như vậy để chuẩn bị phản công mùa hè này.
“Có vẻ người Ukraine lúc này đang nén mình lại như một cái lò xo, chờ đợi vũ khí của NATO và chuẩn bị phản công”, vị chuyên gia tại IISS kết luận.