Trong một cuộc phỏng vấn với Sky News, nghị sỹ Ukraine Lesia Vasylenko nói rằng, Nga đang chiếm ưu thế trong cuộc xung đột hiện nay.
Bà Vasylenko đổ lỗi cho các nước phương Tây về thất bại của Ukraine trong cuộc xung đột với Nga vì đã cung cấp vũ khí và đạn dược quá chậm và với số lượng hạn chế, khiến Kiev không thể duy trì cuộc phản công.
Ban đầu, bà Lesia Vasylenko cho hay: " Cuộc phản công đang diễn ra theo đúng kế hoạch".
Khi người dẫn chương trình Sky News đặt câu hỏi cho về cơ sở cho nhận định này, bà Vasylenko nói rõ thêm: "Chúng tôi thực hiện theo kế hoạch với số lượng vũ khí và chất lượng đạn dược mà chúng tôi đang nhận được. Việc giao hàng càng ổn định và với số lượng càng lớn thì cuộc phản công có thể diễn ra càng nhanh".
Đạn pháo tại một xưởng sản xuất ở Tarbes, Pháp. Ảnh: Getty
Ukraine chỉ còn khoảng một tháng
Khi người dẫn chương trình Sky News nói rằng, Ukraine chỉ giành lại được chưa đến 1% lãnh thổ mà họ đã mất trong chiến dịch quân sự của Nga bắt đầu từ tháng 2/2022, nghị sỹ Vasylenko thừa nhận: "Thật không may, điều này là sự thật. Chỉ còn một tháng nữa là mùa đông giá lạnh bắt đầu. Chúng tôi sẽ phải tạm dừng cuộc phản công cho đến mùa xuân. Đó không chỉ là tin buồn đối với chúng tôi, mà còn đối với tất cả các nước ủng hộ".
Bà cũng nói rằng sẽ "ngày càng khó khăn hơn" đối với Ukraine. "Chúng tôi phải nói rằng họ (Nga) lại một lần nữa chiếm ưu thế. Trong khi viện trợ được chuyển cho chúng tôi quá chậm và với tốc độ không ổn định".
Bà Vasylenko cho rằng, các nước phương Tây đã không phản ứng kịp thời khi Ukraine kêu gọi viện trợ quân sự trước tháng 2/2022. "Tôi tin chắc rằng Nga có thể đã bị chặn lại vào tháng 2/2022 khi Ukraine đề nghị cung cấp vũ khí" và số vũ khí này đáng lẽ ra đã phải được cung cấp vào cuối năm 2021 hoặc đầu 2022.
Châu Âu không thể đáp ứng nguồn cung
Bình luận của nghị sỹ Ukraine trong đó thừa nhận cuộc phản công của nước này không mang lại kết quả được đưa ra vào thời điểm tờ New York Times gần đây đưa tin, ngành công nghiệp quân sự châu Âu đang phải vật lộn để cung cấp cho Ukraine một triệu quả đạn pháo như đã cam kết vào tháng 3/2024.
Bài báo của NYT cho rằng cam kết của EU cung cấp một triệu quả đạn 155 mm cho Ukraine trong vòng một năm là mục tiêu tham vọng. "Hiện nay, vào thời điểm quan trọng của cuộc xung đột và khi Ukraine thiếu đạn pháo cho cuộc phản công, các chuyên gia, nhà sản xuất vũ khí và thậm chí một số quan chức chính phủ đang ngày càng bày tỏ nghi ngờ về kế hoạch này. Họ nói rằng ngành công nghiệp quốc phòng của châu Âu sẽ không thể tăng cường sản xuất đủ nhanh để đạt được mục tiêu đó".
"Tôi không biết những quả đạn đó [châu Âu đã cam kết] sẽ đến từ đâu. Năng lực của ngành này không thể đáp ứng được", ông Morten Brandtzaeg, Giám đốc điều hành của Nammo có trụ sở tại Na Uy, công ty sản xuất khoảng 25% đạn dược của châu Âu, cho biết.
Tháng 3/2022, khi quân đội Ukraine bắn hàng nghìn quả đạn pháo mỗi ngày để giữ quyền kiểm soát thành phố Bakhmut ở phía Đông, chính phủ ở Kiev đã gửi lời kêu gọi khẩn thiết tới các đồng minh để có thêm đạn 155 mm.
Trong vòng vài tuần, Liên minh châu Âu đã đồng ý kế hoạch trị giá 2,1 tỷ USD để gửi cho Ukraine 1 triệu quả đạn, dựa trên sự quyên góp từ kho dự trữ của các quốc gia thành viên và mua đạn dược. EU cũng tìm cách tăng sản lượng tại các nhà máy trên khắp châu Âu, với nguồn tài trợ lên tới 532 triệu USD cho đến giữa năm 2025.
Các kho dự trữ hiện có chỉ đáp ứng một phần
Theo số liệu công bố vào tháng 8, trong khoảng từ tháng 2 đến tháng 5/2023, các nước thuộc Liên minh Châu Âu và Na Uy đã gửi cho Ukraine ít nhất 223.800 quả đạn pháo - khoảng 1/4 mục tiêu. Hầu hết số đạn pháo này đều đến từ kho dự trữ quân sự.
Đó là phần tương đối dễ tìm vì chúng được lấy từ nguồn cung cấp sẵn có. Nhưng theo NYT, mức dự trữ này đã xuống quá thấp nên hầu hết quân đội các nước châu Âu sẽ không thể cung cấp thêm.
Theo các điều khoản trong kế hoạch, số đạn pháo còn lại phải được mua từ các nhà sản xuất có trụ sở trong Liên minh châu Âu và Na Uy và phải mua theo thỏa thuận mua sắm chung giữa các quốc gia.
Về mặt lý thuyết, mặc dù Liên minh Châu Âu có thể mua đạn pháo từ các nhà sản xuất ngoài, chẳng hạn như Anh, Mỹ và Hàn Quốc, 3 nhà sản xuất và xuất khẩu đạn 155 mm lớn trên thế giới. Nhưng một trong những mục đích của việc cung cấp 1 triệu quả đạn pháo cho Kiev là tăng cường sản xuất ở châu Âu và việc mua từ bên ngoài sẽ khiến EU không đạt được mục tiêu này.
Hơn nữa, nếu EU mua đạn pháo từ bên ngoài, ngành công nghiệp quốc phòng nội khối sẽ không được hưởng các ưu đãi tài chính.
Lầu Năm Góc cho biết các nhà sản xuất Mỹ dự kiến sẽ sản xuất 57.000 viên đạn pháo 155 mm mỗi tháng vào mùa xuân tới. Ngay cả khi tất cả số đạn pháo này được bán cho các nước thuộc EU và sau đó được gửi đến Ukraine, thì như vậy vẫn chưa đủ để lấp đầy khoảng trống.
Trước khi xung đột Nga – Ukraine bùng phát, các nhà sản xuất châu Âu sản xuất 230.000 viên đạn 155mm mỗi năm. Sản lượng dự kiến sẽ cao hơn trong năm nay, nhưng cho dù vậy, mục tiêu gửi một triệu quả đạn tới Ukraine vẫn rất khó được đảm bảo.