Binh sĩ Nga bảo vệ lối vào trạm thủy điện Kakhovka ở Kherson ngày 20/5. Ảnh: AP.
Nga vẫn duy trì lợi thế áp đảo
Trên những cánh đồng dọc theo biên giới phía Tây của vùng Kherson, các binh sỹ Ukraine – những người đang thực hiện mọi nỗ lực nhằm giành lại vùng lãnh thổ đã mất, vẫn đang phải “án binh bất động” trong các chiến hào của họ.
Để tạo nền móng cho cuộc phản công, các lực lượng Ukraine đã tấn công trung tâm chỉ huy và kho đạn của Nga, chặn tuyến đường tiếp tế bằng cách tiến hành những cuộc tấn công chính xác vào các cây cầu quan trọng. Nhưng kế hoạch cắt đứt tuyến đường tiếp tế vẫn chưa thể làm xói mòn lợi thế áp đảo của Nga về pháo binh, đạn dược và vũ khí hạng nặng. Theo đánh giá, các lực lượng Ukraine khó có thể tiến lên mà không phải chịu thương vong lớn.
Trung úy Ada – chỉ huy một tiền đồn của Ukraine ở Mykolaiv nằm cách giới tuyến của Nga tại Kherson vài km cho biết: “Để thực hiện chiến dịch phản công, chúng tôi cần lợi thế về quân số, về vũ khí hạng nặng. Nhưng thật không may, điều này lại là vấn đề với chúng tôi”.
Việc để mất Kherson giống như một đòn giáng mạnh vào chiến lược của Ukraine. Hầu như toàn bộ khu vực đã bị Nga kiểm soát trong giai đoạn đầu cuộc chiến, khi quân đội Nga tấn công Kherson từ các căn cứ của họ ở Bán đảo Crimea. Hiện các nhà lãnh đạo Ukraine đang lập kế hoạch giành lại vùng lãnh thổ này. Nhưng để thực hiện điều đó, họ phải đối mặt với rất nhiều thách thức lớn.
Nga đã duy trì ưu thế vượt trội về quân số và đạn dược trong những tuần gần đây. Điện Kremlin đã tăng cường binh sỹ tại Kherson, chuyển các nguồn lực từ khu vực Donbass ở miền Đông sang chiến tuyến ở miền Nam. Ngay cả khi quân đội Ukraine có thể đẩy lùi Nga ra khỏi vùng nông thôn, họ có thể sẽ phải chiến đấu trong một trận chiến đô thị ác liệt để giành lấy thành phố Kherson và chịu tổn thất lớn về binh lực, vật lực.
Thời gian không chờ đợi Ukraine khi chính quyền tỉnh Kherson do Nga thành lập đang có kế hoạch tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân về gia nhập Nga vào giữa tháng 9. Để ngăn chặn kế hoạch này Tổng thống Ukraine và các tướng lĩnh của ông cần phải sớm thực hiện cuộc phản công, các chuyên gia nhận định.
Phillips P. O’Brien, Giáo sư Nghiên cứu Chiến lược tại Đại học St. Andrews ở Scotland, cho rằng: “Những hạn chế mà người Ukraine phải đối mặt là phải tiến lên trong môi trường chiến đấu thực sự khó khăn. Nếu Ukraine không giành được hoàn toàn quyền kiểm soát bầu trời và ngăn chặn những mối nguy hiểm tiềm tàng ở khu vực phía trước nơi lực lượng của họ tiến quân thì quân đội Ukraine sẽ bị tổn thất nặng nề”.
Nhưng vị thế của Nga ở Kherson cũng rất bấp bênh, ông Phillips P. O’Brien lưu ý. Các quan chức Ukraine cho biết, mặc dù quân đội Ukraine không đạt được bước tiến đáng kể tại Kherson trong những tuần qua nhưng cuộc tấn công bằng pháo binh của họ đã có một số thành công nhất định khi cản trở Nga đưa vũ khí, thiết bị và quân đội vào khu vực.
Các lực lượng Ukraine đã sử dụng vũ khí chính xác cao như Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS) do Mỹ cung cấp, làm hư hại nghiêm trọng ba cây cầu bắc qua sông Dnipro rộng lớn, vốn là tuyến đường tiếp tế chính kết nối hàng nghìn binh sỹ Nga tại Kherson với các nguồn cung ở phía Đông của con sông. Người phát ngôn Bộ chỉ huy miền Nam của Ukraine, bà Natalya Gumenyuk, cho biết các cuộc tấn công đã khiến những cây cầu này “không thể hoạt động được”.
Khó có khả năng làm tê liệt sức chiến đấu của quân đội Nga
Câu hỏi đặt ra hiện nay là liệu các cuộc tấn công vào tuyến đường tiếp tế có đủ khả năng làm tê liệt sức chiến đấu của quân đội Nga cũng như buộc Điện Kremlin phải rút một phần lực lượng khỏi Kherson và quay trở lại bên kia sông hay không. Một số quan chức Ukraine trong khu vực cho biết, các chỉ huy chiến trường của Nga đã bắt đầu chuyển trụ sở về phía Đông sông Dnipro. Tuy nhiên, Nga vẫn chưa xác nhận thông tin này.
Chuyên gia Ben Barry - thành viên cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế có trụ sở tại Anh cho rằng, ngoài việc điều động nhân lực bổ sung, Nga có thể đã chuyển một lượng lớn thiết bị và đạn dược vào trong khu vực, cho phép nước này tiếp tục chiến đấu trong thời gian dài ngay cả khi tuyến đường tiếp tế bị vô hiệu hóa. Ông lưu ý, ngay cả khi các cây cầu bị phá hủy hoàn toàn, Moscow vẫn còn có rất nhiều lựa chọn khác.
“Viễn cảnh bị cô lập với phần còn lại của lực lượng nhiều khả năng sẽ không ảnh hưởng đến tinh thần của quân đội Nga đang đồn trú tại Kherson. Bởi Moscow có nhiều cầu phao, phà và thuyền trên sông”, ông Barry nói.
Trái với quan điểm này, ông Michael Kofman, chuyên gia quân sự về Nga tại CNA - một tổ chức nghiên cứu phi lợi nhuận ở Arlington, Virginia (Mỹ) cho rằng, về lâu dài, sức ép từ phía Ukraine có thể khiến các đơn vị Nga ở Kherson rơi vào tình thế bấp bênh hơn. Nhưng điều này có thể diễn ra trong vài tháng chứ không phải vài tuần. Khi đó quân đội Ukraine chắc chắn cũng sẽ tiêu hao nguồn lực đáng kể và rất khó thực hiện các chiến dịch khác.
“Lãnh thổ quân đội Nga chiếm được ở Kherson không được bảo vệ chặt chẽ như các vùng lãnh thổ khác mà họ đang kiểm soát. Một khi những cây cầu bị phá hủy hoàn toàn và tuyến kết nối đường sắt vào Kherson không còn nữa họ sẽ khó có đủ đạn dược. Nga sẽ phải rút đến những vị trí được phòng thủ vững chãi hơn ở bên ngoài thành phố”, ông Michael Kofman.
Đối với Ukraine, các chỉ huy chiến trường và nhà phân tích quân sự của nước này cho biết, một cuộc phản công tại Kherson sẽ đòi hỏi Kiev phải điều động binh sỹ và thiết bị với số lượng lớn hơn nhiều so với những gì họ đang triển khai trong khu vực. Khi cả Nga và Ukraine đang chiến đấu trên nhiều mặt trận, điều đó sẽ rất khó khăn./.