Vừa qua, trong một cuộc phỏng vấn với kênh 24 (Ukraine), nhà ngoại giao - chuyên gia phụ trách vấn đề đối ngoại Maidan Alexander Hara đã "hiến kế" cho chính quyền Kiev nhằm ngăn chặn những hành động được cho là gây hấn của Nga đối với nước này.
Cụ thể, ông Hara cho rằng biện pháp thiết thực và hiệu quả nhất chính là ngăn cản và kìm hãm "Dòng chảy Phương Bắc-2" được đưa vào hoạt động. Đây là dự án xây dựng đường ống dẫn khí đốt từ Nga sang Đức và vào thị trường châu Âu, thông qua đường ống ngầm dưới biển Baltic.
Trước khi có Dòng chảy Phương Bắc-2, việc dẫn dầu và khí đốt từ Nga vào thị trường lục địa già phải đi qua hai nước Ukraine và Ba Lan.
"Nếu việc xây dựng Dòng chảy Phương Bắc-2 ngừng lại, thì Nga sẽ phải trả tiền cho Ukraine để được dẫn khí đốt sang châu Âu. Chúng ta có thể lợi dụng số khí đốt này trong tương lai.
Nếu ông Putin muốn tấn công quy mô lớn nhằm vào chúng ta, thì yếu tố này - tức là việc vận chuyển khí đốt sang châu Âu qua Ukraine - sẽ là điều có thể kìm chân ông ấy, bởi chúng ta có thể khiến ông ấy ngừng cung cấp châu Âu cho phương Tây.
Và nếu không có Dòng chảy Phương Bắc-2, Nga cũng sẽ không thể thu được lợi nhuận từ nước Đức", ông Hara khẳng định.
Hơn nữa, theo ông này, nhằm đạt được mục đích kìm hãm Nga trên Biển Đen và Biển Azov, Kiev cần xây dựng một hạm đội tàu của riêng mình. Ông cho rằng chính phủ Ukraine đã lỡ thời cơ, và đã xao nhãng khủng hoảng trên biển Azov quá lâu.
"Tuy 'Hạm đội muỗi' là ý tưởng đúng đắn, nhưng quân đội Ukraine không hài lòng với các tàu Gyurza hiện nay, bởi chúng không thể đáp ứng các nhiệm vụ được giao", ông Hara nhận định.
Do đó, chuyên gia này cho rằng bên cạnh việc phối hợp với các đối tác quốc tế, chính phủ Ukraine nên cân nhắc tự đóng tàu tại các cơ sở trong nước hoặc đầu tư ở nước ngoài.
"Phương Tây không hiểu hết những điều đang diễn ra. Và Putin sẽ không dừng lại, bởi ông ta muốn 'hủy hoại' Ukraine...", nhà ngoại giao nhận định.
Những tuyên bố này được đưa ra sau khi truyền thông Mỹ đưa tin hôm 5/12 về việc hải quân Mỹ có ý định điều tàu chiến tới Biển Đen trong bối cảnh căng thẳng Nga-Ukraine ngày càng gia tăng sau vụ đụng độ giữa tàu chiến hai nước hôm 25/11.
Đến nay, phía Nga vẫn đang bắt giữ tàu và thủy thủ đoàn của Ukraine, bất chấp những lời kêu gọi cũng như đe dọa của Kiev và phương Tây.