Chỉ huy hải quân Ukraine, Phó Đô đốc Aleksey Neizhpapa, nói ông biết cách phá hủy cơ sở hạ tầng quan trọng này của Nga.
“Tôi nghĩ chúng ta sẽ không phải đợi lâu. Chắc chắn là trong năm nay" , Phó Đô đốc Aleksey Neizhpapa nói, đề cập đến thời điểm chính xác cây cầu dài nhất châu Âu sẽ bị sập.
Mới đây, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết bán đảo Crimea sẽ trở thành mục tiêu lớn nhất trong kế hoạch quân sự của Kiev trong năm 2024.
Nhà lãnh đạo Ukraine cho rằng Kiev có thể tăng cường tấn công Crimea, "cô lập" bán đảo này bằng cách phá hủy cây cầu Kerch nối liền Crimea với đất liền Nga. Để thực hiện mục tiêu này, ông Zelensky một lần nữa yêu cầu tên lửa hành trình tầm xa Taurus do Đức sản xuất, vũ khí mà Berlin cho đến nay đã từ chối cung cấp ngay cả sau khi Pháp và Anh cung cấp cho Kiev tên lửa Storm Shadow.
Ông Zelensky cũng phàn nàn rằng huy động nguồn lực cho chiến tranh từ xã hội Ukraine và viện trợ của đồng minh phương Tây đang thấp hơn nhiều so với giai đoạn đầu cuộc chiến. Ukraine chỉ có thể đạt được các mục tiêu quân sự nếu nhận được sự hỗ trợ đầy đủ từ phương Tây.
Sau khi bùng nổ xung đột giữa Nga và Ukraine, cầu Crimea nhiều lần trở thành mục tiêu của tên lửa và máy bay không người lái của hải quân Ukraine.
Vào tháng 10/2022, một chiếc xe tải chở đầy chất nổ đã phát nổ khi đang di chuyển dọc cầu, khiến 3 người thiệt mạng và gây hư hại cầu, phải mất nhiều tháng để sửa chữa. Vào tháng 7 năm ngoái, cầu này tiếp tục bị tấn công bởi một chiếc xuồng không người lái dưới, khiến 2 thường dân thiệt mạng.
Tổng thống Nga Vladimir Putin mô tả cuộc tấn công là “tàn bạo” và vô nghĩa từ góc độ quân sự, đồng thời giải thích rằng cây cầu Crimea không còn được sử dụng để vận chuyển thiết bị chiến đấu và đạn dược.
Cầu Crimea được xây dựng từ năm 2016-2018 và là tuyến đường sắt và giao thông duy nhất nối bán đảo này với đất liền Nga.