Hãng tin Sputnik (Nga) dẫn lời ông Eduard Basurin, đại diện của lực lượng tự vệ quốc gia Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng, cáo buộc cơ quan an ninh của Ukraine đang chuẩn bị tiến hành các động thái khiêu khích quy mô lớn nhằm vào các tàu thương mại trên Biển Azov.
Theo ông này, Kiev đang chuẩn bị "một số kịch bản khiêu khích và siết chặt vùng Biển Azov, trong đó có việc đánh chìm các tàu thương mại"; và các "kịch bản" này được dự kiến sẽ được bắt đầu triển khai trong nửa đầu năm 2019 tới.
Không chỉ tàu nước ngoài, Ukraine còn định dùng các tàu thương mại của chính mình làm "vật tế" cho kế hoạch trên, ông Basurin nói.
Sau đó, viện cớ căng thẳng leo thang, quân đội Ukraine có thể tổ chức thâm nhập từ ngoài biển Azov vào địa bàn do DPR kiểm soát và tấn công địa điểm này.
Trong những tháng gần đây, Biển Azov đã trở thành điểm nóng xung đột mới giữa Kiev và Moskva, và là một trong những lí do khiến hai nước liên tục có những động thái công kích - trả đũa lẫn nhau.
Ngày 25/3 vừa qua, lực lượng tuần tra biển Ukraine đã bắt giữ tàu đánh cá Nord cùng 10 thành viên trong thủy thủ đoàn trên vùng biển này, lấy lí do chiếc tàu này tới bán đảo Crimea "gây tổn hại tới lợi ích quốc gia của Ukraine".
Đặc biệt, sau khi cây cầu nối liền giữa bán đảo Crimea và lục địa Nga được hoàn thành, căng thẳng giữa hai nước "láng giềng" này càng thêm gay gắt. Ví dụ, khi một số chính trị gia Ukraine kêu gọi đánh sập cầu Crimea, phía Moskva liền đáp trả ngay bằng cách lắp đặt hệ thống chống máy bay S-400 tại cây cầu này.
Ngoài ra, Ukraine còn liên tục đưa ra những cáo buộc về việc Nga lợi dụng tình hình trên Biển Azov để gây khó dễ cho các tàu hàng của Ukraine, ví dụ như hành động chặn tàu để kiểm tra, khiến số lượng tàu đi và đến từ các cảng biển Azov giảm đi trông thấy, hay như Đại sứ Ukraine tại Liên Hợp Quốc tố cáo Nga lén cung cấp vũ khí cho lực lượng ly khai tại Donbass qua biển Azov.
Phía Nga luôn bác bỏ các cáo buộc của Ukraine, và cũng đã có những hành động đáp trả, ví dụ như điều tàu áp sát khi tàu Ukraine vượt cầu Kerch, hay gần đây nhất là sắc lệnh của tổng thống Putin mở đường cho Nga trả đũa các đòn trừng phạt của Ukraine.
Tuy nhiên, sau lần "chạm trán" kể trên, chính phủ Ukraine càng khiến căng thẳng leo thang khi tuyên bố thiết lập căn cứ hải quân mới trên Biển Azov (dựa vào nguồn hỗ trợ về tài chính và khí tài quân sự từ Mỹ) nhằm đối trọng Nga.
Tuyên bố trên của Ukraine đã khiến nhiều người trong chính giới Nga "bật cười", bởi họ không tin rằng Kiev có đủ tiềm lực kinh tế (kể cả khi được Mỹ hỗ trợ) để thực hiện được điều đó.