Ukraine bất an khi Nga - Mỹ trao đổi tù nhân

Thu Loan |

Ukraine không tham gia cuộc trao đổi tù nhân mang tính lịch sử giữa Nga và phương Tây hôm 1/8. Nhưng khi tin tức về cuộc trao đổi được công bố, một số người ở Ukraine băn khoăn thoả thuận này có hàm ý gì đối với đất nước của họ.

Evan Gershkovich, Paul Whelan và Alsu Kurmasheva vừa trở về nước sau cuộc trao đổi tù nhân lịch sử giữa Nga và Mỹ. (Ảnh: Reuters)

Tổng thống Volodymir Zelensky và các quan chức cấp cao Ukraine không bình luận về thoả thuận. Tuy nhiên, quy mô, tính phức tạp và tầm quan trọng của cuộc trao đổi liên quan đến 9 quốc gia khiến Kiev không khỏi bận tâm.

Ngày 2/8, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov bác bỏ suy đoán rằng thỏa thuận trao đổi tù nhân có thể dẫn đến việc đàm phán về chấm dứt xung đột ở Ukraine. Nhưng từ lâu đã có lo ngại ở Kiev rằng các bên ủng hộ, đặc biệt là Mỹ, có thể bắt đầu đàm phán bí mật với Nga.

Ngày 2/8, các quan chức Ukraine nói rằng vẫn thường xuyên nhắc lại lời hứa của Tổng thống Mỹ Joe Biden: "Không có thoả thuận nào về Ukraine nếu không có Ukraine tham gia".

Ông Mykhailo Podolyak, một cố vấn của Tổng thống Zelensky, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với báo Washington Post, rằng Ukraine hiện nay "quá độc lập" để có thể bị gạt ra trong bất kỳ cuộc đàm phán tiềm năng nào và để các bên khác áp đặt điều khoản ngừng bắn.

“Họ sẽ không thể đồng ý bất cứ điều gì với Nga liên quan đến Ukraine nếu không có Ukraine. Cái giá của cuộc xung đột quá cao, ảnh hưởng của Ukraine quá lớn về thông tin và việc chấm dứt chiến sự một cách sai trái sẽ gây ra thảm kịch không chỉ cho Ukraine”, ông Podolyak nói.

Tuy nhiên, người Ukraine biết rằng đất nước của họ đang tồn tại nhờ vũ khí và tiền mà nước khác tài trợ hoặc cho vay. Nếu bất kỳ tuyến tiếp tế nào bị cắt đứt, Ukraine sẽ gặp rắc rối lớn.

Vì thế, thông tin về thỏa thuận trao trả tù nhân mang tính lịch sử giữa Mátxcơva và Washington khiến một số người dân Ukraine cảnh giác.

Lịch sử cho thấy có nhiều lý do để Kiev phải lo lắng về nguy cơ thỏa hiệp.

Khi xung đột với Nga bắt đầu 10 năm trước, Tổng thống Pháp François Hollande và Thủ tướng Đức Angela Merkel khi đó đã thúc đẩy Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko ký một thỏa thuận ngừng bắn, được gọi là Thoả thuận Minsk, với những điều khoản vô cùng bất lợi. Nga được coi là bên bảo lãnh cho thỏa thuận chứ không phải một bên trong xung đột.

Thỏa thuận Minsk không được thực thi khi Ukraine và Nga mâu thuẫn về các điều khoản.

Thoả thuận trao đổi tù nhân với Mỹ được đánh giá là một chiến thắng ngoại giao nữa cho Tổng thống Nga Vladimir Putin, nhưng người Ukraine khẳng định Mátxcơva sẽ không thể ép Kiev từ bỏ tham vọng có được tương lai họ mong muốn trong Liên minh châu Âu.

Đối với một số quan chức Ukraine, cuộc trao đổi tù nhân lần này gợi lại những sự kiện trong quá khứ.

"Những hoạt động trao đổi gián điệp và bất đồng chính kiến tốt nhất trong Chiến tranh Lạnh đang được khôi phục", một quan chức cấp cao giấu tên của Ukraine nhận xét.

Quan chức này cho biết ông không lo phương Tây có thể chấp nhận bất kỳ nhượng bộ nào liên quan đến việc hỗ trợ quốc phòng cho Ukraine như một điều kiện để trao đổi tù nhân với Nga.

Theo Washington Post

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại