Trang tin Sina Trung Quốc ngày 21/12 cho hay, vào thập niên 1990, Trung Quốc đã khởi động chương trình nghiên cứu phát triển tên lửa hành trình.
Đến đầu thế kỷ này, các nhà khoa học Trung Quốc đã phá vỡ sự phong tỏa công nghệ, năm 2002 đã lần đầu tiên bắn thử, năm 2006 đã bàn giao cho quân đội dùng thử, sau đó chính thức đặt tên lửa Đông Phong-10. Hiện đã có các phiên bản lục quân và không quân.
Từ lâu đã xuất hiện một thông tin là Ukraine đã bí mật bán tên lửa tiên tiến cho một nước, đó là tên lửa hành trình KH-55, một loại tên lửa trang bị cho máy bay chiến đấu.
Có người cho rằng loại tên lửa này đã được bán cho Trung Quốc, vì Trung Quốc thực sự đã thu được rất nhiều công nghệ quân sự từ Ukraine. Tuy nhiên, Trung Quốc căn bản không nhận được loại tên lửa này.
Về bề ngoài, Đông Phong-10 không có khác biệt quá lớn với KH-55. Thiết kế của Đông Phong-10 lại càng gần với Tomahawk của Mỹ. Thực ra, đây là một sự hiểu nhầm.
Có tin còn cho rằng Iran là một trong số ít quốc gia sở hữu công nghệ tên lửa hành trình. Hơn 10 năm trước, Iran đã bí mật mua sắm một lô 6 quả tên lửa hành trình KH-55 của Ukraine. Cũng có tin cho là Iran đã mua 11 hoặc 12 quả tên lửa loại này. Rõ ràng khi đó không có tin nào đề cập đến Trung Quốc.
KH-55 là một loại tên lửa hành trình được Liên Xô phát triển từ thập niên 1960, biên chế chính thức từ năm 1983. Bề ngoài của KH-55 tương tự tên lửa hành trình Tomahawk của Mỹ.
Tên lửa hành trình KH-55. Ảnh: Sina.
Ukraine từng sở hữu không ít tên lửa hành trình KH-55, sau này theo thỏa thuận Nga - Ukraine, Ukraine chuyển nhượng 581 quả tên lửa loại này cho Nga, số còn lại trực tiếp tiêu hủy. Nhưng, phía Nga khẳng định họ nhận được tất cả 575 quả tên lửa KH-55 từ Ukraine. 6 quả còn lại thực chất là đã bán cho Iran.
Sau khi Iran sở hữu loại tên lửa này, họ đã bỏ ra thời gian khoảng 10 năm và đã hoàn thành sao chép, năm 2015 mới công bố, trưng bày với bên ngoài. Loại tên lửa phiên bản sao chép này của Iran có tên là Soumar, tầm bắn đạt 2.500 - 3.000 km. Nó giống hệt với KH-55, chỉ khác là ở phần đuôi được tăng cường động cơ.
Tên lửa hành trình Soumar của Iran. Ảnh: Sina.