UH-1 - biểu tượng thất bại của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam

ĐĂNG SƠN |

Trong số các trang thiết bị đại diện cho sức mạnh quân sự Mỹ, trực thăng đa dụng UH-1 được coi là một biểu tượng. Nhưng trong cuộc chiến tại Việt Nam, UH-1 lại gắn liền với sự thất bại...

Sau khi thể hiện tính đa dụng, cơ động cao trên chiến trường Triều Tiên, vào năm 1955, lục quân Mỹ đưa ra yêu cầu về một mẫu trực thăng có tính năng ưu việt hơn. Phương tiện vận tải mới này được kỳ vọng sẽ đóng vai trò chủ lực cho sự cơ động và uy thế của quân đội Mỹ.

Năm 1960, công ty Bell cho ra mắt mẫu trực thăng mới, định danh HU-1A “Iroquois” theo tên một bộ lạc thổ dân Bắc Mỹ. Đến năm 1961, phiên bản cải tiến được đổi tên thành UH-1B.

Do khó phát âm tên “Iroquois” nên binh sĩ Mỹ đặt biệt danh cho phương tiện này là “Huey” theo tên viết tắt “HU” của phiên bản đầu. Từ đó, “Huey” trở thành biệt danh của tất cả phiên bản UH-1 về sau.

UH-1 ra đời trùng với thời điểm Mỹ gia tăng hiện diện ở Việt Nam, tích cực hỗ trợ mọi mặt cho chính quyền Sài Gòn. Năm 1962, những chiếc UH-1 đầu tiên do phi công Mỹ lái đáp xuống Việt Nam với nhiệm vụ vận chuyển cố vấn Mỹ và binh sĩ chính quyền Sài Gòn.

Đến năm 1964, thủy quân lục chiến Mỹ bắt đầu tiếp nhận UH-1. Tiếng cánh quạt của chúng đánh dấu việc quân đội Mỹ chính thức tham chiến ở Việt Nam vào năm 1965.

Đồi núi và rừng rậm nhiệt đới tại Việt Nam là một chiến trường khác hoàn toàn với những nơi Mỹ tham chiến trước đó. Điều này khiến vai trò của trực thăng trở nên vô cùng quan trọng do có thể chở binh sĩ cơ động nhanh, sau đó rút về các khu căn cứ vững chắc.

Giới chức quân sự Mỹ thành lập các sư đoàn cơ động mới, đồng thời tái trang bị các đơn vị cũ bằng UH-1. Từ đó, các sư đoàn dù nổi tiếng như: Sư đoàn 82, 101 trở thành các đơn vị “kỵ binh bay”, với cách đánh tập kích đường không bằng trực thăng đầu tiên trên thế giới.

Đến giai đoạn đỉnh điểm, Mỹ triển khai tới 7.013 chiếc UH-1 trên chiến trường Việt Nam. UH-1 cũng trở thành “xương sống” của không quân chính quyền Sài Gòn với 861 chiếc, chiếm hơn 40% tổng số máy bay Mỹ viện trợ.

Cảnh tượng đội hình hàng chục chiếc UH-1 gầm rú trên bầu trời, xả đạn xuống mặt đất trong các cuộc hành quân đã trở thành phần không thể thiếu tại Việt Nam, đại diện cho công nghệ vượt trội của Mỹ. UH-1 đóng vai trò then chốt trong phương thức tác chiến của Mỹ đến mức báo giới và các chuyên gia gọi cuộc chiến này là “cuộc chiến trực thăng” đầu tiên.

Người Mỹ tự tin cho rằng, những chiếc trực thăng với tiếng cánh quạt đặc trưng cùng vũ khí tối tân giống như những “thiên thần báo tử” gieo rắc kinh hoàng cho đối thủ. Nhưng chính tiếng động đó lại phá bỏ yếu tố bất ngờ, khắc sâu thêm hình ảnh đội quân xâm lược, thù địch trong mắt người dân.

Mặc dù linh hoạt hơn bất kỳ phương tiện nào trên chiến trường khi đó, UH-1 hầu như không có giáp bảo vệ, rất dễ bị tổn thương bởi súng cá nhân thông thường.

Điều này bộc lộ ngay từ năm 1963 trong chiến thắng Ấp Bắc, khi Quân Giải phóng bắn rơi 5 chiếc UH-1 chỉ bằng súng trường. Những năm sau đó, hơn 3.300 chiếc UH-1 đã bị loại khỏi vòng chiến đấu, chiếm gần một nửa tổng số máy bay tham chiến.

Đây là tỷ lệ tổn thất cao nhất trong tất cả các loại máy bay của Mỹ ở Việt Nam. Bay ở độ cao thấp trên chiếc UH-1, đặc biệt khi tiếp cận bãi đáp là một trong những trải nghiệm khủng khiếp nhất của binh sĩ Mỹ. Do sợ trúng đạn bắn lên từ phía dưới, lính Mỹ đã phải ngồi lên áo giáp hoặc để mũ sắt dưới gầm ghế nhằm tăng khả năng sống sót.

Vì quá phụ thuộc vào UH-1 để tiếp tế, cứu thương và chi viện hỏa lực, hình ảnh những chiếc trực thăng bị bắn rơi khiến tinh thần chiến đấu của lính Mỹ giảm sút nghiêm trọng. Trong khi đó, đây là nguồn động viên tinh thần lớn cho những Bộ đội Cụ Hồ, minh chứng cho thấy đội quân viễn chinh hùng mạnh nhất thế giới hoàn toàn có thể bị đánh bại.

Trong những ngày cuối cùng của chế độ Sài Gòn, trực thăng là phương tiện chủ lực trong chiến dịch “Gió lốc”, chiến dịch di tản bằng trực thăng lớn nhất trong lịch sử. Trực thăng của không quân chính quyền Sài Gònbay theo trực thăng Mỹ ra biển trong chiến dịch di tản lên đến hàng trăm chiếc, với UH-1 chiếm đại đa số.

Do không đủ chỗ, nhiều máy bay đã bị đẩy xuống biển ngay sau khi hạ cánh xuống tàu chiến Mỹ ngoài khơi. Ít nhất 45 phi công UH-1 đã phải chở người ra tàu, sau đó bay ra giữa biển rồi nhảy khỏi máy bay.

Những chiếc trực thăng bị vứt bỏ xuống Biển Đông trong những ngày cuối tháng 4-1975 trở thành hình ảnh bi thảm, đánh dấu sự thất bại của Mỹ sau hơn 20 năm can thiệp vào Việt Nam.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại