Chuyện gì xảy ra sau khi bỏ cà phê?
Diana Buntajova, nữ phóng viên của tờ Express (Anh), mới đây chia sẻ về trải nghiệm từ bỏ cà phê của mình.
Diana kể hồi tháng 2 năm nay, cô phát hiện mình bị thiếu sắt, khiến cơ thể mệt mỏi. Ngoài ra, cô cũng phát hiện bị viêm loét đường ruột nên không được uống cà phê hay trà đen hoặc trà xanh.
Vì nhiều lý do mà Diana không thể uống cà phê.
"Lúc đầu, việc cai trà và cà phê dường như là nhiệm vụ bất khả thi", Diana kể. "Tôi đã hy vọng rằng một khi tôi chuyển sang chế độ ăn dựa trên thực vật, được chế biến tối thiểu, tôi sẽ cảm thấy tràn đầy năng lượng hơn một chút".
"Và sự thật đúng là như vậy. Nhưng đến buổi chiều, tôi vẫn uể oải, năng lượng cạn kiệt".
Đó là lúc Diana thường đứng dậy và đi đến chỗ ấm đun nước, tự pha cho mình một đồ uống nóng để tiếp thêm năng lượng. Nhưng vì không được uống cà phê hay trà, cô đã phải tìm lựa chọn thay thế.
Phát hiện thứ thay thế tuyệt vời cho cà phê
"Tôi biết trà xanh hay matcha sẽ không khiến tôi quá khó chịu. Nhưng một lựa chọn khác có chứa một chút caffeine là sô cô la đen - một ứng cử viên sáng giá".
Sau này, Diana phát hiện thêm rằng sô cô la đen cũng chứa nhiều magiê, chất có thể tăng cường sức mạnh não bộ. Khi đó, cô mới quyết định ăn một đến hai miếng sô cô la đen vào buổi chiều. "Thật ngạc nhiên, nó đã có tác dụng", nữ phóng viên kể.
"Mặc dù sô cô la đen không mang lại nguồn năng lượng tức thì như cà phê, nhưng tôi thấy rằng nó dần dần khiến tôi cảm thấy tràn đầy năng lượng hơn một chút trong suốt buổi chiều. Thêm vào đó, món ăn này mang lại cảm giác tốt hơn nhiều so với việc không ăn uống gì cả".
"Mặc dù sô cô la đen không mang lại nguồn năng lượng tức thì như cà phê, nhưng tôi thấy rằng nó dần dần khiến tôi cảm thấy tràn đầy năng lượng hơn một chút", Diana kể.
Theo Laura Southern, nhà trị liệu dinh dưỡng tại Bệnh viện Phụ khoa London, Anh, lý do khiến sô cô la đen có vẻ hiệu quả với Diana là do hàm lượng chất chống oxy hóa có thể giúp giảm viêm và tăng cường chức năng não. Thực tế là sô cô la cũng chứa một lượng nhỏ caffeine.
Southern nói với Diana: "Sô cô la có chứa caffeine là chất kích thích và có thể làm tăng sự tập trung, tỉnh táo và do đó tăng mức năng lượng".
Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, món ăn nhẹ này còn giàu magie giúp tạo điều kiện giao tiếp giữa các tế bào não - thứ mà Diana chắc chắn cần vào buổi chiều. Điều này có thể góp phần cải thiện chức năng nhận thức, điều chỉnh tâm trạng và thậm chí giảm căng thẳng.
"Trong chín tháng ăn sô cô la đen, tôi nhận thấy trí não của tôi hoạt động tốt hơn một chút", Diana nói.
Vì sao ăn sô cô la đen giúp cơ thể tỉnh táo?
Christianne Wolff, tác giả sách bán chạy nhất về dinh dưỡng và công thức nấu ăn, cũng chia sẻ rằng sô cô la đen có thể là "một sự thay thế hợp lý" cho những ai đang tìm kiếm một lựa chọn thay thế cà phê.
Chuyên gia cho biết: "Sô cô la đen chứa một lượng caffeine vừa phải, giúp tăng cường năng lượng một cách tinh tế mà không gây cảm giác bồn chồn giống như khi tiêu thụ quá nhiều cà phê. Hơn nữa, theobromine trong sô cô la mang lại sự tăng cường năng lượng mượt mà, lâu dài hơn".
"Mặc dù nó có thể không thay thế hoàn toàn cốc cà phê buổi sáng của bạn, nhưng việc kết hợp sô cô la đen vào thói quen ăn uống có thể là một lựa chọn tốt và ngon miệng để cắt giảm lượng cà phê".
Nếu bạn muốn thử, có hai quy tắc đơn giản:
- Nên chọn sô cô la có hàm lượng đường tối thiểu.
- Nên chọn sô cô la có hàm lượng cacao 70% trở lên. Tỷ lệ ca cao cao hơn thường có nghĩa là hàm lượng đường thấp hơn và nhiều lợi ích sức khỏe hơn.
Diana kể: "Tôi bắt đầu ở mức 60% trong tuần đầu tiên và tăng dần lên 85% trong một tháng. Đối với việc kiểm soát khẩu phần ăn, hãy nhớ rằng sôcôla đen vẫn là một món ăn, do đó, ăn uống điều độ vẫn là điều quan trọng".
Chuyên gia Southern nói thêm: "Một vài miếng sô cô la ngay sau bữa trưa có thể là một ý tưởng tuyệt vời".
(Theo Express)