Úc gửi công hàm lên Liên Hiệp Quốc, bác yêu sách của Trung Quốc ở biển Đông

P.Võ |

Úc hôm 23-7 đã gửi công hàm lên Liên Hiệp Quốc, theo đó bác bỏ bất kỳ yêu sách nào của Trung Quốc trái với Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển (UNCLOS) năm 1982.

Theo công hàm trên, Úc phản đối yêu sách của Bắc Kinh đối với "chủ quyền lịch sử" hoặc "chủ quyền và lợi ích hàng hải" ở biển Đông.

Công hàm cũng nhấn mạnh Úc bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với các vùng hàng hải được tạo ra bởi các thực thể chìm dưới mặt nước biển.

Các hoạt động bồi đắp, cải tạo đất không thể thay đổi phân loại thực thể của UNCLOS. Ngoài ra, theo UNCLOS, các đảo nhân tạo không được hưởng quy chế của các đảo. Chúng không có lãnh hải riêng và sự có mặt của chúng không có tác động gì đối với việc hoạch định ranh giới lãnh hải, vùng đặc quyền về kinh tế hoặc thềm lục địa.

Vì thế, Úc không chấp nhận việc xem thực thể nhân tạo là đảo.

Đáng chú ý, Úc còn bác bỏ nội dung công hàm của Trung Quốc hôm 17-4, theo đó cho rằng cộng đồng quốc tế đã thừa nhận tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam).

Chính phủ Úc kêu gọi các bên liên quan, trong đó có Trung Quốc, làm rõ các tuyên bố chủ quyền lãnh hải và giải quyết bất đồng một cách hòa bình theo luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982.

Phái bộ Úc tại Liên Hiệp Quốc cũng đề nghị Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc cho lưu hành công hàm này đến các nước tham gia UNCLOS 1982.

Úc gửi công hàm lên Liên Hiệp Quốc, bác yêu sách của Trung Quốc ở biển Đông - Ảnh 2.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (trái) dự kiến hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Úc Marise Payne vào tuần sau. Ảnh: AP

Thông tin về công hàm trên được công bố giữa lúc Úc đang ủng hộ Mỹ trong các chiến dịch bảo vệ tự do hàng hải ở biển Đông.

Vào tuần sau, Bộ trưởng Ngoại giao Marise Payne và Bộ trưởng Quốc phòng Linda Reynolds của Úc dự kiến đến Mỹ để thảo luận về một loạt vấn đề, trong đó có các hoạt động của Trung Quốc ở biển Đông.

Trước đó, hôm 21-7, tàu chiến của Úc đã tập trận với tàu Mỹ và Nhật ở biển Philippines.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại