Theo Reuters, thực tế này xóa đi phần nào nỗi lo của dân Úc rằng đầu tư của Trung Quốc vào vùng nông thôn có thể đe dọa an ninh lương thực. Theo công bố, nhà đầu tư Anh dẫn đầu danh sách sở hữu đất nông nghiệp tại Úc, Trung Quốc chỉ xếp thứ năm.
Nhu cầu lương thực bùng nổ của châu Á đã tạo nên một cơn sốt đầu tư ào ạt vào đất nông nghiệp tại Úc - một trong những nhà xuất khẩu nông nghiệp lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, liên quan đến “yếu tố Trung Quốc” thì vấn đề lại trở nên nhạy cảm.
Hồi tháng 4-2016, chính quyền Canberra từng ngăn chặn thương vụ chuyển nhượng S. Kidman Co - công ty chăn nuôi sở hữu diện tích đất nông nghiệp lớn nhất Úc - cho nhà đầu tư Trung Quốc vì lý do an ninh quốc gia.
“Một số người Úc có suy nghĩ rằng ngành nông nghiệp của họ bị càn quét bởi đầu tư Trung Quốc. Báo cáo vừa qua chứng minh điều này là không đúng” - ông Tony Mahar, giám đốc điều hành Liên đoàn quốc gia Các nhà sản xuất nông nghiệp Úc, khẳng định.
Bắc Kinh vừa qua mới cảnh báo Úc về “chủ nghĩa bảo hộ” sau khi Canberra chặn thương vụ bán mạng lưới điện lớn nhất nước trị giá 7,57 tỉ USD cho người Trung Quốc (cũng vì lý do an ninh).
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đặt vấn đề này với Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 hôm chủ nhật (4-9) ở Hàng Châu. Ông Tập “đề nghị” Úc tạo môi trường “công bằng và minh bạch” cho tất cả các nhà đầu tư nước ngoài.
Theo Cơ quan thuế Úc (ATO), người Trung Quốc hiện sở hữu ít hơn 3% diện tích đất nông nghiệp tại Úc, thua hai nước dẫn đầu là Anh và Mỹ, tuy nhiên nếu thương vụ S. Kidman thành công thì họ đã nhảy lên vị trí thứ hai.
Phó thủ tướng Úc Barnaby Joyce - người ủng hộ siết chặt kiểm soát chuyển nhượng đất cho nước ngoài - cho rằng dữ liệu vừa được công bố cho thấy quyết định chặn thương vụ bán Kidman là hoàn toàn đúng.
“Hiện một vùng đất rộng hơn hai lần bang Victoria đang thuộc sở hữu toàn phần hoặc một phần của nước ngoài. Tôi không nói có điều gì sai nhưng đó là một diện tích đáng kể” - ông Joyce nhận xét.