UBND thành phố Hà Nội đề xuất phương án sắp xếp, tinh gọn bộ máy

chinhphu.vn |

Về phương án sắp xếp, tinh gọn bộ máy với các sở, cơ quan tương đương và đơn vị sự nghiệp thuộc UBND TP, UBND TP Hà Nội đề xuất tiếp tục duy trì 10 sở và tương đương.

UBND thành phố Hà Nội đề xuất phương án sắp xếp, tinh gọn bộ máy- Ảnh 1.

Trụ sở UBND thành phố Hà Nội

Ban cán sự Đảng UBND TP Hà Nội vừa có báo cáo gửi Ban Chỉ đạo thành phố tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khoá XII về "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả".

Báo cáo nêu rõ, sau 7 năm triển khai thực hiện, thành phố cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu của Nghị quyết số 18-NQ/TW: Giảm khoảng 10% biên chế công chức, 14% biên chế viên chức so với năm 2015; tinh gọn đầu mối cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc thành phố, giảm cấp trung gian, đầu mối.

Cán bộ dôi dư do sắp xếp được quan tâm, sớm ổn định tư tưởng để tập trung công việc. Một số mô hình mới về tổ chức bộ máy từng bước đi vào hoạt động, sẵn sàng thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chính trị được giao.

Đề xuất tiếp tục duy trì 10 sở và tương đương

Đáng chú ý, về phương án sắp xếp, tinh gọn bộ máy với các sở, cơ quan tương đương và đơn vị sự nghiệp thuộc UBND TP, UBND TP Hà Nội đề xuất tiếp tục duy trì 10 sở và tương đương, gồm: Văn phòng UBND thành phố; Thanh tra thành phố; Sở Tư pháp; Sở Văn hóa và Thể thao; Sở Giao thông vận tải; Sở Xây dựng; Sở Quy hoạch - Kiến trúc; Sở Du lịch; Sở Ngoại vụ; Trung tâm Phục vụ hành chính công thành phố.

Trong đó, 4 sở duy trì theo định hướng của Ban Chỉ đạo Trung ương, gồm: Văn phòng UBND Thành phố, Thanh tra Thành phố, Sở Tư pháp, Sở Văn hóa và Thể thao;

Năm sở có yếu tố đặc thù của Thủ đô, cần thiết phải duy trì theo nội dung đánh giá, phân tích tại Luật Thủ đô số 39/2024/QH15 và định hướng gợi ý tại Văn bản số 24/CVBCĐTKNQ18 ngày 18/12/2024 của Ban Chỉ đạo về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Chính phủ gồm: Sở Giao thông vận tải, Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Du lịch, Sở Ngoại vụ.

Một cơ quan tương đương Sở (không nằm trong cơ cấu 15 Sở theo định hướng của Trung ương): Trung tâm Phục vụ hành chính công (đơn vị đang thực hiện thí điểm theo chỉ đạo của Chính phủ).

Việc đề xuất duy trì các sở và tương đương nêu trên là cần thiết, bảo đảm tính đặc thù trong quản lý nhà nước của Thành phố, tính ổn định, kế thừa và phù hợp với yêu cầu thực tiễn hiện nay. Đối với các sở giữ nguyên, tiếp tục thực hiện rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong đảm bảo mục đích, yêu cầu, nguyên tắc sắp xếp.

Bên cạnh đó, Hà Nội sẽ hợp nhất Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở Tài chính, dự kiến mang tên mới là Sở Kinh tế - Tài chính (thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về các ngành, lĩnh vực đang giao cho Sở Tài chính và Sở Kế hoạch và Đầu tư);

Hợp nhất Sở Tài nguyên và Môi trường với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dự kiến đổi tên là Sở Nông nghiệp và Môi trường;

Hợp nhất Sở Thông tin và Truyền thông với Sở Khoa học và Công nghệ, dự kiến đổi tên thành Sở Khoa học, Công nghệ và Truyền thông;

Hợp nhất Sở Lao động - Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ, dự kiến đổi tên thành Sở Nội vụ và Lao động.

Hà Nội dự kiến không duy trì Ban Dân tộc trực thuộc UBND thành phố; chuyển chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và biên chế của ban này về Sở Nội vụ và thực hiện kiện toàn tổ chức bộ máy bên trong cho phù hợp;

Sở Y tế dự kiến tiếp nhận chức năng quản lý Nhà nước về bảo trợ xã hội; trẻ em; phòng, chống tệ nạn xã hội từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội;

Sở Giáo dục và Đào tạo dự kiến tiếp nhận chức năng quản lý Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

Sở Công Thương tiếp nhận nguyên trạng Cục Quản lý thị trường địa phương từ Bộ Công Thương và tổ chức lại thành Chi cục Quản lý thị trường thuộc Sở Công Thương.

Hà Nội cũng đề xuất hợp nhất Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất và Ban Quản lý khu công nghệ cao Hòa Lạc. Tên gọi sau sắp xếp dự kiến là Ban Quản lý Khu công nghệ cao và Khu công nghiệp thành phố;

Giải thể Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch TP Hà Nội, chuyển chức năng, nhiệm vụ về các cơ quan có liên quan.

Theo Hà Nội, thực hiện theo phương án trên, sau sắp xếp thành phố sẽ có 18 sở và cơ quan tương đương sở; theo đúng chỉ đạo định hướng tại văn bản ngày 18/12 của Ban Chỉ đạo về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Chính phủ.

Đề xuất 2 phương án sắp xếp với các cơ quan báo chí khối chính quyền

Đối với các cơ quan báo chí khối chính quyền, Ban Cán sự Đảng UBND TP Hà Nội đề xuất 2 phương án. Phương án 1: Tiếp tục duy trì 2 cơ quan báo chí trực thuộc UBND TP gồm: Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội; Báo Kinh tế - Đô thị.

Phương án này duy trì kênh tiếp nhận thông tin và tuyên truyền kịp thời các chủ trương, định hướng lãnh đạo, chỉ đạo của thành phố; đảm bảo kênh tuyên truyền dự phòng cho Trung ương trong tình huống cấp thiết, mang tính đặc thù và cần thiết.

Phương án 2: Thực hiện sắp xếp theo chỉ đạo của Trung ương (sáp nhập Báo Kinh tế đô thị với Báo Hà Nội mới).

Đề xuất phương án có 11 phòng chuyên môn ở cấp huyện

Ở cấp quận, huyện, thị xã, Ban Cán sự Đảng UBND TP đề xuất phương án có 11 phòng chuyên môn (giảm 2 đơn vị), gồm: Văn phòng HĐND và UBND cấp huyện; Phòng Nội vụ và Lao động; Phòng Tư pháp; Phòng Tài chính - Kế hoạch; Phòng Nông nghiệp và Môi trường; Phòng Văn hóa, Khoa học và Thông tin; Phòng Giáo dục và Đào tạo; Phòng Y tế; Phòng Quản lý đô thị; Phòng Công Thương; Thanh tra quận, huyện, thị xã.

Đề nghị sớm ban hành Nghị định quy định chức năng nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị

Căn cứ tình hình thực tiễn trong giai đoạn hiện nay, thành phố Hà Nội đang tập trung cao độ triển khai thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; triển khai thực hiện nhiều dự án lớn, quan trọng, rất cần tăng cường nguồn lực.

Vì vậy, trong thời gian các bộ, ngành chưa có đầy đủ hướng dẫn định mức biên chế theo vị trí việc làm, thành phố Hà Nội đề xuất Trung ương xem xét: giữ nguyên biên chế công chức hành chính như số đã giao năm 2025 cho Hà Nội để đảm bảo ổn định nhân lực tổ chức thực hiện hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm đề ra tại Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII nhiệm kỳ 2021-2025 và tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVIII nhiệm kỳ 2025-2030;

Hà Nội cũng đề nghị tiếp tục xem xét giao bổ sung biên chế viên chức giáo dục, nhân viên y tế theo định mức cho Hà Nội để có thể bố trí kịp thời giáo viên đứng lớp, nhân viên y tế.

Hà Nội cũng đề nghị Quốc hội nghiên cứu, xem xét sớm ban hành đồng bộ các bộ luật, luật có liên quan đến chỉ đạo của Bộ Chính trị về các nội dung sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả gắn với xây dựng, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ;

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu, xem xét việc sửa đổi tiêu chuẩn về quy mô dân số và diện tích của đơn vị hành chính các cấp; cần có thêm các tiêu chí về trình độ phát triển đô thị, mật độ dân cư, trình độ phát triển kinh tế xã hội, thu ngân sách trên địa bàn và cần có sự phân biệt giữa chính quyền đô thị và nông thôn.

Trong thời gian tới, Hà Nội đề nghị Bộ Nội vụ và các bộ chuyên ngành nghiên cứu tham mưu Chính phủ ban hành các Nghị định hướng dẫn Luật Thủ đô được đồng bộ để thành phố Hà Nội tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác rà soát sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy theo tinh thần của Nghị quyết số18-NQ/TW;

Sớm ban hành Nghị định quy định chức năng nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị; trong quá trình kiện toàn sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan,đơn vị có quy định các điều khoản chuyển tiếp như: quy định thời hạn bảo lưu số lượng cấp phó sau khi sắp xếp, có cơ chế hỗ trợ cho những trường hợp nghỉ dôi dư sau sắp xếp... và các cơ chế, chính sách hỗ trợ để các địa phương làm căn cứ triển khai đồng bộ, hiệu quả...

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại