Uber, Grab sẽ phải gắn biển ‘Taxi điện tử’

VIẾT LONG |

Trên xe phải có thiết bị cài đặt phần mềm tính tiền và kết nối để giao dịch với hành khách.

Bộ GTVT vừa hoàn thành dự thảo nghị định thay thế Nghị định 86/2014 về kinh doanh vận tải bằng ô tô và đã gửi Bộ Tư pháp thẩm định .

Điểm mới của dự thảo lần này là loại hình Uber, Grab được quản lý như taxi truyền thống. Cụ thể, Điều 6 về Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi được bổ sung quy định “kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi tính tiền thông qua phần mềm”.

Uber, Grab chỉ khác taxi cách tính tiền

Với quy định này, loại hình Uber, Grab phải có hộp đèn với chữ “TAXI ĐIỆN TỬ” gắn cố định trên nóc xe. Trên xe phải có thiết bị cài đặt phần mềm tính tiền và kết nối để giao dịch với hành khách.

Phần mềm tính tiền phải cung cấp cho hành khách các nội dung tối thiểu trước khi thực hiện vận chuyển gồm: thông tin về doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) kinh doanh vận tải (tên, địa chỉ, điện thoại, mã số thuế); thông tin về tài xế (họ và tên, hạng giấy phép lái xe, số giấy phép lái xe, số điện thoại); thông tin về xe (biển kiểm soát xe, nhãn hiệu và sức chứa của xe, năm sản xuất); điểm bắt đầu và điểm kết thúc chuyến đi; thời gian bắt đầu và kết thúc chuyến đi; hành trình; cự ly chuyến đi (km); thông tin về giá cước và số tiền hành khách phải trả (VND).

Ngoài ra, dự thảo cũng quy định DN, HTX kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi tính tiền thông qua phần mềm phải gửi hóa đơn điện tử của chuyến đi đến tài khoản của hành khách và gửi thông tin hóa đơn điện tử về Tổng cục Thuế theo quy định của Bộ Tài chính.

Uber, Grab sẽ phải gắn biển ‘Taxi điện tử’ - Ảnh 1.

Nếu dự thảo này không gặp trở ngại thì loại hình Uber, Grab sẽ bị quản như taxi truyền thống. Theo đó, số lượng xe, quyền lợi của lái xe sẽ có các điểm tương đồng. Ảnh: VIẾT LONG

DN, HTX kinh doanh vận tải bằng taxi được lựa chọn hộp đèn với chữ “TAXI” hoặc chữ “TAXI ĐIỆN TỬ” để gắn cố định trên nóc xe trong trường hợp taxi sử dụng cả phương thức tính tiền bằng đồng hồ và phần mềm.

Bộ GTVT cho rằng quy định trên nhằm tạo thuận lợi cho DN, HTX kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi, phù hợp xu thế và khuyến khích phát triển ứng dụng công nghệ trong hoạt động vận tải.

Đồng thời tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng giữa các đơn vị taxi truyền thống và các đơn vị taxi ứng dụng công nghệ.

Các ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng và ô tô kinh doanh vận tải hành khách du lịch phải có phù hiệu. Theo Bộ GTVT, quy định này nhằm mục tiêu nhận diện phương tiện.

Ngoài ra, tạo điều kiện cho các lực lượng chức năng trong quá trình kiểm tra, kiểm soát trên đường nhằm kịp thời phát hiện các trường hợp vi phạm, đặc biệt là trong việc kiểm soát và xử lý tình trạng xe “dù”, bến “cóc”.

UBND được tổ chức các điểm đón, trả khách

Dự thảo lần này cũng quy định UBND tỉnh căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương để xác định và công bố các vị trí đón, trả khách cho xe hợp đồng tại các đầu mối giao thông, nhà ga, sân bay, bến cảng, khu dân cư, các địa điểm văn hóa, thể thao, du lịch, trung tâm thương mại…; quy định về tiêu chí và tổ chức, quản lý các vị trí đón, trả khách cho xe hợp đồng trên địa bàn.

Ô tô kinh doanh vận tải khách du lịch được ưu tiên bố trí nơi dừng, đỗ để đón, trả khách du lịch, phục vụ tham quan du lịch tại các bến xe, nhà ga, sân bay, bến cảng, khu du lịch, điểm du lịch, cơ sở lưu trú du lịch, điểm tham quan du lịch, địa điểm văn hóa, thể thao, trung tâm thương mại.

UBND cấp tỉnh quản lý hoạt động vận tải bằng xe du lịch trên địa bàn, căn cứ vào tình hình thực tế để xác định điểm đón, trả khách du lịch trên địa bàn.

Theo Bộ GTVT, quy định trên nhằm mục tiêu giao thẩm quyền quản lý cho các địa phương trong việc xác định các vị trí dừng, đỗ cho xe hợp đồng đảm bảo trật tự an toàn giao thông, thông qua đó giao trách nhiệm cho UBND các cấp thực hiện giám sát chặt chẽ hoạt động của xe hợp đồng.

Có ý kiến lo ngại việc cho phép các tỉnh công bố vị trí đón, trả khách sẽ biến các văn phòng thành nơi đón, trả khách, nhà xe bỏ bến ra ngoài nhiều, gây hỗn loạn vận tải, tắc đường nội đô…

Tuy nhiên, bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, cho rằng hiện xe “dù”, bến “cóc” diễn biến phức tạp và trong các nghị định đều không đưa ra được biện pháp xử lý triệt để.

Vì vậy, đợt này đưa ra hai phương án là cấm hay quản. Nếu quản, phải cho UBND tỉnh tổ chức các điểm đón, trả khách và cấp phép bến xe cấp 6 để tổ chức như loại hình limousine. Nếu cấm thì để như hiện nay, không sửa gì.

“Nhưng quan điểm của tôi là chúng ta không thể cấm mà phải quản” - bà Hiền nhấn mạnh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại