UAV Triều Tiên xâm nhập, Hàn Quốc lo ngại không bắn hạ được

Trung Hiếu |

Quân đội Hàn Quốc đã bị bất ngờ khi UAV Triều Tiên xâm nhập lãnh thổ nước này trong thời gian dài. Họ đã không bắn rơi được các UAV đó, khiến giới chức Hàn Quốc lo ngại sâu sắc về an ninh quốc gia.

Máy bay không người lái (UAV) của Triều Tiên xâm nhập không phận Hàn Quốc vào hôm 26/12 lần đầu tiên kể từ năm 2017. Vụ việc này là leo thang căng thẳng mới nhất giữa hai nước láng giềng.

Hôm 27/12 quân đội Hàn Quốc đã hứng chịu chỉ trích từ Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol, người đã tìm cách trấn an dư luận bằng cách tuyên bố nội các của ông sẽ đẩy nhanh kế hoạch xây dựng một đơn vị UAV đặc biệt.

UAV Triều Tiên xâm nhập, Hàn Quốc lo ngại không bắn hạ được - Ảnh 1.

Một loại UAV Triều Tiên đặt trên xe tải. Ảnh: Defencetalk.

Chuyện gì đã xảy ra?

5 UAV Triều Tiên vượt khu phi quân sự tiến sâu vào Hàn Quốc hôm 26/12, khiến Hàn Quốc phải tung máy bay tiêm kích và trực thăng tấn công để ngăn chặn và bắn hạ.

UAV bị phát hiện lần đầu tại Hàn Quốc vào lúc 10h25 (giờ địa phương), khi đang ở bay phía trên tỉnh Gimpo. UAV đã bay qua nhiều thành phố của Hàn Quốc gồm thủ đô Seoul.

Quân đội Hàn Quốc đã bắn cảnh cáo. Một trực thăng trang bị súng máy đã bắn khoảng 100 viên đạn về phía UAV nhưng không bắn hạ được chiếc nào.

Quân đội Hàn Quốc cho biết họ đã truy đuổi một trong 5 chiếc UAV này trên bầu trời vùng đô thị Seoul nhưng không mạnh tay với nó do lo ngại an toàn cho dân thường.

Một quan chức Bộ Quốc phòng Hàn Quốc xác nhận một chiến đấu cơ KA-1 của Hàn Quốc đã bị tai nạn sau khi rời căn cứ Wonju ở miền Bắc để đánh chặn UAV Triều Tiên. Hai phi công đã kịp thoát hiểm trước khi máy bay rơi và hiện họ được điều trị tại bệnh viện.

Phản ứng từ Hàn Quốc?

Tổng thống Yoon Suk-yeol hôm 27/12 bày tỏ quan ngại về việc quân đội nước ông đã không thể bắn hạ các UAV trong lúc Hàn Quốc đang lo tìm cách đối phó với các mối đe dọa về hạt nhân và tên lửa từ phía Triều Tiên.

Ông Yoon nói với nội các trong một phiên họp: “Vụ việc cho thấy quân đội chúng ta thiếu đáng kể mức độ sẵn sàng cũng như sự huấn luyện trong vài năm qua. Sự việc rõ ràng xác nhận nhu cầu phải có thêm huấn luyện và nâng mức độ sẵn sàng chiến đấu”.

Quân đội Hàn Quốc sau đó đã phải xin lỗi vì không thể bắn hạ các UAV của Triều Tiên.

Cha Du-hyeogn - một nghiên cứu viên tại Viện nghiên cứu chính sách Asan có trụ sở ở Seoul nhận định: “Sự cố trên cho thấy quân đội Hàn Quốc bị bất ngờ và bộc lộ sự non yếu trong phản ứng. Họ sẽ cần kiểm tra khả năng gây nhiễu GPS và các hệ thống phản ứng tổng thể”.

Tổng thống Hàn Quốc tuyên bố nước này sẽ tạo ra một đơn vị quân sự chuyên về UAV để phản ứng lại vụ xâm nhập của UAV Triều Tiên hôm 26/12.

Ông Yoon quy trách nhiệm về tình trạng này cho chính sách “Triều Tiên” của người tiền nhiệm Moon Jae-in và một thỏa thuận quân sự liên Triều năm 2018 cấm các hoạt động thù địch trong khu vực biên giới.

Tổng thống Yoon bổ sung thêm: “Chúng tôi đang xây dựng kế hoạch thiết lập một đơn vị UAV để theo dõi, trinh sát các cơ sở quân sự của Triều Tiên và sẽ thúc đẩy chương trình này càng sớm càng tốt”. Ông hứa hẹn thúc đẩy năng lực của đơn vị này trong theo theo dõi, trinh sát bằng các UAV tàng hình mũi nhọn.

Mặc dù vậy, đảng Dân chủ đối lập vẫn chỉ trích chính quyền Tổng thống Yoon vì đã không bắn hạ được các UAV Triều Tiên xâm nhập.

Bối cảnh vụ việc

Năm 2014, một UAV Triều Tiên bị phát hiện trên một hòn đảo biên giới của Hàn Quốc. Khi ấy giới chức Hàn Quốc cho rằng thiết kế và năng lực của UAV đó là không hiện đại.

Năm 2017, một UAV Triều Tiên khác bị rơi và được tìm thấy trên một ngọn núi gần biên giới Triều Tiên-Hàn Quốc. Người ta tin rằng UAV này làm nhiệm vụ trinh sát. UAV có năng lực vượt trội so với UAV năm 2014, với công suất động cơ và nguồn điện ắc quy tăng gấp đôi.

Vụ việc UAV hôm 26/12 được cho là lần đầu tiên một UAV Triều Tiên xâm nhập không phận Hàn Quốc kể từ thỏa thuận quân sự liên Triều năm 2018.

Hội đồng Tham mưu trưởng quân đội Hàn Quốc cho biết, các UAV vừa rồi có cùng kích cỡ như UAV trinh sát năm 2017 (dài khoảng 2m) nhưng không rõ liệu chúng có hiện đại về công nghệ hay không.

Giới phân tích cho biết, các UAV trong vụ xâm nhập là quá nhỏ và sơ khai đối với nhiệm vụ trinh sát đầy đủ nhưng vẫn đủ sức mang một vũ khí nào đó hoặc gây rối loạn hoạt động hàng không. Hôm 26/12, một số máy bay thương mại ở các sân bay Incheon và Gimpo đã ngừng cất cánh trong khoảng 50 phút theo yêu cầu của quân đội Hàn Quốc.

UAV Triều Tiên có các năng lực gì?

Một báo cáo vào năm 2016 của nhóm theo dõi lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc cho biết, Triều Tiên sở hữu khoảng 300 UAV các loại, bao gồm loại trinh sát, loại chỉ thị mục tiêu và loại chiến đấu.

Theo báo cáo này, các UAV thu được ở Hàn Quốc sử dụng các linh kiện nhập khẩu từ Trung Quốc, Cộng hòa Séc, Nhật Bản, Thụy Sĩ và Mỹ.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã công khai bày tỏ quan tâm đến UAV. Trong một cuộc họp của Đảng Lao động Triều Tiên cầm quyền vào năm 2021, ông Kim cam kết phát triển các UAV trinh sát mới đủ khả năng bay xa tới 500km./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại