Theo thông tin chính thức từ Bộ Quốc phòng Nga, trong 3 vụ tấn công mới đây nhằm vào các căn cứ quân sự Nga tại Syria thì có 2 vụ tấn công bằng máy bay không người lái (5-6/1/2018) và 1 vụ bằng pháo cối (31/12/2017).
Thế nhưng, trong bài viết đăng tải ngày 15/1, Wall Street Journal dẫn lời các chuyên gia quân sự Nga lại cho rằng cả 3 vụ tập kích vào Căn cứ Không quân Khmeimim và Căn cứ Hải quân Tartus của Nga tại Syria đều đến từ các máy bay không người lái (UAV) tự chế.
Đồng thời, theo họ những vụ tấn công dạng này đang bộc lộ một mối đe dọa nghiêm trọng mới đối với các lực lượng tiền phương Nga từ các nhóm phiến quân nổi dậy chống Tổng thống Syria Bashar al-Assad, thậm chí ngay cả khi chúng đã bị Nga và đồng minh đánh bại về cơ bản trên chiến trường.
"Quân đội Nga thiếu khả năng sẵn sàng đang là một vấn đề ở đây", Ruslan Pukhov, Giám đốc Cơ quan nghiên cứu Quốc phòng CAST có trụ sở ở Moscow bình luận.
"Các vũ khí Nga được chế tạo để sử dụng cho các cuộc chiến tranh trên bộ quy mô lớn nhưng máy bay không người lái lại không thể nhìn thấy trên màn hình radar và dấu vết hồng ngoại của chúng gần như bằng không".
Wall Street Journal dẫn lời một nguồn tin am hiểu Quân đội Nga nói rằng, những cáo buộc của Nga về các UAV "có dấu vết nước ngoài" chủ yếu nhằm mục đích lái sự chú ý khỏi thất bại của Moscow trong việc bảo vệ căn cứ đầu não ở Khmeimim.
Theo nguồn tin này, căn cứ không quân trên đã bị tấn công bởi nhiều UAV vào đúng đêm cuối cùng của năm 2017 khiến 2 quân nhân thiệt mạng, 10 người bị thương và làm hư hại ít nhất 6 máy bay.
Vụ tấn công này được cho là lần đầu tiên UAV có thể xâm nhập được vào các hệ thống phòng thủ vững chắc của các căn cứ Nga, gồm cả hệ thống phòng không Pantsir và tổ hợp tên lửa đất đối không S-400.
Tuy nhiên, Quân đội Nga lại bác bỏ những thông tin này và nói rằng, đã không máy bay nào bị thiệt hại và vụ tấn công đêm cuối năm 2017 là do pháo kích chứ không phải UAV.
Một máy bay không người lái tấn công căn cứ Không quân Khmeimim của Nga tại Syria
Tìm cách khoét sâu lỗ hổng an ninh của Nga
"Những vụ tấn công như thế này sẽ còn tiếp tục được các phần tử khủng bố thực hiện. Rõ ràng, chúng đang tìm nhiều cách thức khác nhau để phát hiện xem đâu là điểm yếu để vượt qua hệ thống phòng không của chúng ta một cách hiệu quả nhất", Denis Fedutinov, biên tập viên một ấn phẩm về công nghệ không người lái nổi tiếng của Nga bình luận.
Cho tới nay, chưa có cá nhân hay tổ chức nào đứng ra nhận trách nhiệm về vụ các vụ tấn công nhưng tại Syria đã có nhiều nhóm phiến quân sở hữu UAV, dù thô sơ nhưng đã được chúng sử dụng cho mục đích do thám và thả bom cỡ nhỏ.
"Trong những tháng gần đây, một vài nhóm phiến quân nhỏ đã tiếp cận được ở cự ly đủ gần các lực lượng Nga để kích hoạt một thiết bị nổ tự chế đặt bên đường dẫn tới căn cứ Khmeimim", Jennifer Cafarella, chuyên gia Viện Nghiên cứu Chiến tranh có trụ sở ở Washington cho biết.
Không giống với Quân đội Mỹ, lực lượng đã truy kích các nhóm nổi dậy ở Iraq đến từng tòa nhà một, binh lính Nga lại thường dùng bom trải thảm ồ ạt những khu vực mà họ nghi ngờ các nhóm phiến quân đang trú ẩn.
Chiến thuật này có mặt tích cực là giảm bớt nguy cơ bị tấn công đáp trả nhưng lại không giúp quân đội Nga có cơ hội được huấn luyện đối phó với kiểu chiến tranh phi truyền thống.
"Tấn công bạo lực từ các phiến quân sẽ tiếp tục là một vấn đề lớn", Cafarella nhấn mạnh.
Đầu tháng 1/2018, ngay sau ngày căn cứ quân sự Nga bị tấn công, một nhóm vũ trang ít được biết tới tự xưng là Phong trào Alawite tự do (Free Alawite Movement - FAM) đã đăng tải trên mạng lời cảnh báo với cả cộng đồng thiểu số Alawite – dân tộc của ông Assad và Nga.
"Nga sẽ chứng kiến thêm nhiều nỗi đau hơn trong những ngày tới đây", nhóm này tuyên bố. Trước cuộc bầu cử tổng thống Nga vào tháng 3 năm tới, FAM cho biết, "sẽ có những người muốn chuyển thông điệp tới ông Putin rằng họ có khả năng lật đổ tất cả bất cứ khi nào họ muốn".
Nga tiêu diệt nhóm phiến quân tấn công căn cứ Khmeimim ở Syria