UAV Palancia sẽ 'trừng phạt' Nga nếu Elon Musk cho dùng Starlink

Quang Hưng |

Chiếc UAV mới này có khả năng xuyên qua các hệ thống phòng thủ của Nga một cách đơn giản, bằng cách bay thấp để né tránh radar phòng không.

Các nhà phân tích phương Tây cho rằng, máy bay không người lái cảm tử Palancia mới nhất của Ukraine có thể gây tác động đáng kể đến Nga, đặc biệt là nếu tỷ phú Elon Musk cho phép sử dụng Starlink cho các hoạt động tấn công hoặc tấn công vào sâu lãnh thổ Nga.

Vậy, điều gì khiến máy bay không người lái của Ukraine trở thành thách thức đối với Nga? Và làm thế nào việc tích hợp các khả năng Internet của Starlink, có thể biến chiếc UAV cảm tử này thành một vũ khí đáng gờm?

UAV Palancia sẽ 'trừng phạt' Nga nếu Elon Musk cho phép dùng Starlink - Ảnh 1.

 

UAV Palancia

UAV Palancia có thân máy bay hình bầu dục với hai cặp cánh. Cặp đầu tiên được bố trí ở phía trước, bên dưới thân máy bay, trong khi cặp thứ hai ở phía sau và nằm bên trên. Đuôi máy bay gồm hai cánh được đặt chéo 45 độ, nằm gần nhau phía trên động cơ.

Chiếc máy bay không người lái này dài khoảng 2 mét. Hình dạng của nó giống như tên lửa hành trình thời Liên Xô, nhưng được phóng từ mặt đất trên một khung gầm tự chế có bánh xe.

Chiếc UAV này sẽ cất cánh từ đường băng, nó sử dụng một động cơ gắn ở phía sau với hai cửa hút khí được đặt ở hai bên thân. Thiết kế này nhằm mục đích tàng hình và ngăn chặn việc hút phải các loại mảnh vụn trong khi cất cánh. Từ những hình ảnh về ống xả, loại động cơ của chiếc UAV này có thể là loại phản lực xung hoặc phản lực tuabin truyền thống.

Động cơ phản lực xung hoạt động bằng cách đánh lửa nhiên liệu xung, tạo ra một loạt các vụ nổ nhanh tạo ra lực đẩy. Thiết kế này rất đơn giản, thường có ít hoặc không có bộ phận chuyển động. Động cơ phản lực xung tiêu thụ nhiều nhiên liệu hơn động cơ phản lực tuabin, nhưng tính đơn giản của chúng làm giảm trọng lượng và cho phép lưu trữ nhiều nhiên liệu hơn trong thân máy bay.

Các chuyên gia cho rằng, UAV Palancia không phải là phương tiện tự hành mà là phương tiện được điều khiển từ xa. Sự khác biệt này rất quan trọng vì nó mang lại cho chiếc UAV của Ukraine lợi thế đáng kể trước hệ thống phòng không của Nga. Được điều khiển từ xa có nghĩa là người điều khiển máy bay có thể điều khiển nó bay ở độ cao rất thấp, nhằm né tránh radar của đối phương.

UAV Palancia sẽ 'trừng phạt' Nga nếu Elon Musk cho phép dùng Starlink - Ảnh 2.

 

Tuy nhiên, để UAV Palancia duy trì chuyến bay dài và không bị gián đoạn, cần có kết nối Internet ổn định. Trong khi đó, mạng lưới vệ tinh Starlink nằm ở quỹ đạo thấp, được xem là giải pháp hoàn hảo cho UAV Palancia. Starlink sử dụng số lượng lớn vệ tinh và phân bố rộng rãi trên toàn bộ trái đất, nhờ vậy mà kết nối Internet ít bị gây nhiễu hơn.

Sức mạnh của Starlink

Một trong những lý do chính khiến Starlink của Elon Musk khó bị gây nhiễu là nhờ số lượng vệ tinh quá lớn, với hàng nghìn vệ tinh hoạt động ở quỹ đạo Trái đất thấp. Khi một số vệ tinh bị gây nhiễu, hệ thống vẫn có thể dễ dàng định tuyến lại dữ liệu qua các vệ tinh khác, đảm bảo kết nối và hoạt động.

Vệ tinh Starlink sử dụng nhiều tần số và kỹ thuật nhảy tần tiên tiến. Điều này có nghĩa là tín hiệu liên lạc của chúng liên tục thay đổi tần số theo một mô hình mà chỉ hệ thống mới biết, khiến cho những kẻ gây nhiễu khó có thể khóa và phá vỡ tín hiệu một cách hiệu quả.

Bên cạnh đó, các vệ tinh Starlink di chuyển rất nhanh trên bầu trời, vì vậy các hệ thống gây nhiễu sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc theo dõi và nhắm mục tiêu vào các vật thể chuyển động nhanh này.

UAV Palancia sẽ 'trừng phạt' Nga nếu Elon Musk cho phép dùng Starlink - Ảnh 3.

 

Starlink sử dụng các giao thức mã hóa tiên tiến để bảo mật thông tin liên lạc. Trong trường hợp một máy gây nhiễu có thể chặn được tín hiệu, việc giải mã chúng sẽ là một nhiệm vụ rất khó khăn. Mã hóa của Starlink đảm bảo rằng, tất cả những dữ liệu bị chặn sẽ không thể giải mã được và chỉ là thông tin vô dụng, góp phần bảo vệ tính toàn vẹn của mạng.

Các hệ thống vệ tinh truyền thống thường phụ thuộc vào một số lượng hạn chế các trạm mặt đất, nhưng cơ sở hạ tầng của Starlink thì rộng lớn và đa dạng. Do đó, bất kỳ nỗ lực nào nhằm gây nhiễu mạng lưới đều đòi hỏi phải nhắm mục tiêu vào nhiều địa điểm cùng một lúc, vừa phức tạp vừa tốn kém.

Hiện tại Nga chỉ dựa vào hệ thống vệ tinh truyền thống với ít số lượn vệ tinh hơn so với Starlink. Các hệ thống này thường bao phủ các khu vực rộng lớn bằng một hoặc hai vệ tinh, khiến chúng dễ bị gây nhiễu hơn.

Elon Musk đã hạn chế Quân đội Ukraine sử dụng Starlink cho các hoạt động tấn công vào tháng 9/2022. Quyết định này được đưa ra do lo ngại rằng, Starlink có thể được sử dụng để tấn công vào Nga và khiến cuộc xung đột trở nên khó lường hơn.

Tỷ phú Elon Musk nhấn mạnh rằng, Starlink ban đầu được cung cấp cho Ukraine vì nhu cầu nhân đạo và phòng thủ, chẳng hạn như duy trì liên lạc và truy cập Internet trong suốt cuộc xung đột. Tuy nhiên, khi phát hiện ra Starlink đang được sử dụng cho mục đích tấn công, bao gồm cả các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái, Musk đã áp đặt các hạn chế để ngăn chặn việc sử dụng nó trong các hoạt động này.

Quang Hưng

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại