Các lực lượng của Ukraine đã triển khai hơn 100.000 máy bay không người lái góc nhìn thứ nhất mỗi tháng dọc tiền tuyến trải dài hơn 1.000 km trong cuộc xung đột với Nga. Máy bay không người lái lao vào các xe bọc thép, truy đuổi bộ binh và theo dõi hỏa lực pháo binh để lần ra vị trí đặt các lựu pháo của Nga.
Việc sử dụng UAV mang chất nổ đã xuất hiện từ lâu. Vào khoảng tháng 9 năm ngoái, những người vận hành của Ukraine lần đầu tiên thử điều khiển các robot bay của họ tấn công trực thăng Nga đang bay. Mối đe dọa từ UAV nghiêm trọng tới nỗi lực lượng không quân Nga bắt đầu điều động một số trực thăng để hộ tống các trực thăng khác.
Phải mất ít nhất 10 tháng thử nghiệm trước khi một người điều khiển UAV của Ukraine bắn trúng một trực thăng của Nga. Việc bắn trượt trong nhiều tháng như vậy là điều dễ hiểu. Một trực thăng có thể bay nhanh hơn vận tốc 240km/h ở độ cao hàng nghìn mét - quá nhanh và quá cao để một UAV nặng chưa tới 1kg có một cú bắn gọn ghẽ mà không cần người điều khiển phải có trình độ kỹ năng cao hoặc may mắn.
Phi công điều khiển UAV trong cuộc bắn hạ hôm 31/7 phải rất thành thạo kỹ năng hoặc may mắn, hoặc cả hai. Ukraine đã phát hiện ra một trực thăng của Nga đang thực hiện các nhiệm vụ tấn công, vận chuyển và sơ tán trong khi vẫn rất gần mặt đất.
"Bị bắn trúng ngay lúc cất cánh", một blogger Nga cho hay khi nói về chiếc trực thăng này.
Một FPV thường chỉ mang theo vài kg chất nổ nhưng sẽ không cần nhiều hỏa lực để hạ gục một chiếc trực thăng nếu bắn trúng vào cánh quạt của nó.
Sau hơn 2 năm xung đột nổ ra, những người điều khiển UAV của Ukraine đã trở nên cực kỳ thành thạo trong việc nhắm vào các khu vực dễ tổn thương nhất của các mục tiêu: các UAV đã nhắm vào cửa hầm mở của xe bọc thép chở quân nhân, dưới lớp giáp được thêm vào của xe tăng mai rùa và qua cửa của hầm bộ binh được củng cố.
So với một chiếc cửa sập rộng hơn 90cm, đĩa cánh quạt có đường kính rộng hơn 3,6 mét của trực thăng Mi-8 là một mục tiêu dễ dàng.
Điều đáng nói là trực thăng Nga có thể cách tiền tuyến bao xa. Rìa phía Tây của Donetsk chỉ cách tiền tuyến gần 5km - nằm trong tầm bắn của các FPV không được hỗ trợ. Nhưng rìa phía Đông của thành phố này cách tiền tuyến hơn 16km. Đó rõ ràng là nơi diễn ra các vụ bắn hạ. Một blogger quân sự Nga giải thích: "Khoảng cách là rất quan trọng".
Để di chuyển 16km, một FPV cần sự trợ giúp từ UAV thứ hai, theo sau một vài km để thu và phát tín hiệu chỉ huy tầm ngắn của nó. Đó là một hoạt động phức tạp đòi hỏi sự phối hợp cẩn thận.
Quân đội Nga có hàng trăm trực thăng và cho đến nay chỉ tổn thất khoảng 100 chiếc trong chiến dịch quân sự ở Ukraine. Việc mất một chiếc trực thăng không phải là thảm họa với Nga. Tuy nhiên, xem xét số lượng FPV mà Ukraine triển khai mỗi tháng, mối đe dọa với trực thăng Nga có thể tăng lên rất nhiều.