Chiếc UAV được báo cáo là đang tiến hành nhiệm vụ trinh sát trong khu vực diễn ra các cuộc giao tranh giữa Quân đội quốc gia Libya (LNA) - do tướng Khalifa Haftar chỉ huy - và lực lượng ủng hộ Chính phủ đoàn kết dân tộc (GNA) được Liên hợp quốc công nhận, nhằm giành quyền kiểm soát thủ đô Tripoli.
Tướng Stephen Townsend, tư lệnh Bộ chỉ huy châu Phi (AFRICOM) quân đội Mỹ, cho biết ông tin rằng những người vận hành hệ thống phòng không "không biết [chiếc UAV] là một máy bay điều khiển từ xa của Mỹ" khi họ tấn công nó.
"Nhưng giờ thì họ chắc chắn đã biết nó thuộc về ai nhưng từ chối trao trả. Họ nói rằng không biết nó ở đâu, nhưng tôi không tin điều đó," Reuters ngày 7/12 dẫn thông cáo của ông Townsend
Tướng Mỹ cáo buộc sự kiện trên "làm nổi rõ vai trò tồi tệ của lính đánh thuê Nga, họ tác động đến kết quả cuộc nội chiến ở Libya, trực tiếp chịu trách nhiệm cho những giao tranh, thương vong và hủy hoại gần đây ở xung quanh Tripoli".
Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Mark Esper từ chối bình luận trực tiếp về vụ UAV Mỹ bị bắn rơi ở Libya, song ông tin rằng Nga đang cố gắng "nhúng tay vào" tình hình LIbya nhằm tạo ra một cục diện có lợi cho Moskva.
Đánh giá của quân đội Mỹ kết luận rằng các nhà thầu quân sự tư nhân Nga hoặc các lực lượng trung thành với tướng Haftar đã vận hành hệ thống phòng không bắn hạ chiếc UAV, khi thiết bị này được báo cáo mất tích vào ngày 21/11 - theo lời phát ngôn viên AFRICOM Christopher Karns.
Karns nói thêm rằng chiếc UAV đã bị tấn công bởi lực lực phòng không sau khi những người này "nhầm lẫn nó là kẻ thù".
Mohammed Ali Abdallah, cố vấn các sự vụ về Hoa Kỳ của GNA, nói rằng UAV Mỹ rơi xuống gần thành trì của lực lượng thân LNA tại Tarhuna, cách Tripoli khoảng 64km về phía Đông Nam. Ông này khẳng định có hơn 1.400 lính đánh thuê Nga được triển khai trong lực lượng của LNA.
"Chỉ người Nga mới có khả năng đó (bắn hạ UAV Mỹ), và họ đã vận hành [hệ thống phòng không] khi vụ việc xảy ra," Abdallah nói với Reuters. "Chúng tôi được biết Haftar đã được các đối tác phía Nga đề nghị đứng ra nhận trách nhiệm, dù ông ta không có khả năng hay trang bị để bắn rơi một UAV Mỹ."
Một nhà thầu quân sự Nga (ẩnh danh) tiết lộ với Reuters rằng LNA đã nhận được viện trợ từ hàng trăm nhà thầu quân sự thuộc một tổ chức của Nga.
Đến nay, chính phủ Nga bác bỏ tất cả cáo buộc sử dụng nhà thầu quân sự tư nhân trong các chiến dịch ở nước ngoài. Moskva nói rằng bất kỳ công dân Nga nào đang tham chiến ở nước ngoài đều là những người tình nguyện. LNA cũng phủ nhận thông tin rằng họ được nước ngoài chống lưng.
Quốc gia có trữ lượng dầu mỏ phong phú Libya đã rơi vào tình trạng hỗn loạn từ năm 2011, sau khi một liên minh quốc tế hỗ trợ phe đối lập lật đổ chính quyền của ông Moammar Gadhafi.